Suy Niệm 14 Ðàng Thánh Giá Chúa Giêsu

Suy Niệm 14 Ðàng Thánh Giá Chúa Giêsu

 

Suy Niệm 14 Ðàng Thánh Giá Chúa Giêsu

 

Kinh đọc trước khi gẫm đàng thánh giá

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu, chúng con ước ao ngắm 14 nơi thương khó Ðức Chúa Giêsu trong đàng Thánh giá này, cho được kính mến trả nghĩa Ðức Chúa Giêsu. Chớ gì chúng con được đến viếng những nơi thương khó ấy, như bổn đạo thành Giêrusalem cho được ăn mày các ơn bởi đàng thánh giá mà ra. Song le chúng con là con chiên lạc xa đàng thì xin dâng lòng chúng tôi làm đàng thánh giá mà ngắm, cùng in vào lòng những sự thương khó Ðức Chúa Giêsu đã chịu, để mà yên ủi chúng con ở chốn khách đời này, cho ngày sau được trông cậy 14 nơi thương khó ấy, như bậc thang đem chúng con về thiên đàng mà hát mừng tạ ơn Ðức Chúa Giêsu đời đời chẳng cùng. Amen.

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

 

Nơi thứ nhất:

Quan Philatô luận giết Ðức Chúa Giêsu

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu là Vua cả trên trời dưới đất, là Ðấng thiên hạ ước ao lâu đời, mà Philatô luận giết Chúa con cách xấu hổ nhuốc nha dường ấy. Xin ban cho con ăn năn đền tội, cho đáng Chúa con cứu lấy con nơi toà phán xét sau này.

Ðọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

 

Nơi thứ hai:

Ðức Chúa Giêsu vác Thánh Giá

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu chịu đánh nát cả và mình ra cùng vác Thánh Giá nặng vì tội chúng con. Xin ban ơn cho con chịu các sự khốn khó trong bậc con, như Thánh Giá Ðức Chúa Trời đã định cho con phải chịu mà theo chân Ðức Chúa Giêsu cho trọn.

Ðọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

 

Nơi thứ ba:

Ðức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu chịu nhiều sự khốn khó cùng nhịn đói, vác Thánh giá nặng yếu nhọc hết sức, thì ngã xuống đất. Xin ban ơn cho con giữ mình cho đến chết, chớ để con phạm tội lỗi gì mất lòng Chúa con.

Ðọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

 

Nơi thứ bốn:

Ðức Mẹ gặp Ðức Chúa Giêsu vác Thánh Giá

Lạy ơn Ðức Mẹ, khi trước thấy Con ra đời thì Thiên Thần hát mừng, mà rầy thấ Con nát cả và mình ra trong tay quân dữ đem đi giết, thì lòng Ðức Mẹ đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy. Xin Ðức Mẹ cầu bầu cho chúng con được lòng ăn năn đau đớn, và cầu cho kẻ có tội được trở lại cùng Ðức Chúa Trời.

Ðọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

 

Nơi thứ năm:

Ông Simon vác Thánh giá đỡ Ðức Chúa Giêsu

Khi quân dữ thấy Ðức Chúa Giêsu yếu nhọc hầu chết, thì nó bắt ông Ximong vác Thánh Giá đỡ Ðức Chúa Giêsu. Thương ôi. Nào con chiên Chúa con đâu hết mà để Thánh giá nặng cho kẻ ngoại vác làm vậy. Xin ban ơn giúp sức cho con cùng kẻ thuộc về con được chịu mọi sự khó bằng lòng, như vác đỡ Thánh giá Ðức Chúa Giêsu vậy.

Ðọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

 

Nơi thứ sáu:

Bà Veronica trao khăn cho Ðức Chúa Giêsu lột mặt

Con khen lòng mạnh bạo bà Veronica chẳng sợ quân dữ, một mến Ðức Chúa Giêsu, mà thấy cả và mình máu chảy ra, thì trao khăn cho Người lau mặt đi. Xin in hình tượng Ðức Chúa Giêsu vào lòng con, như in vào khăn bà Veronica cho con được lòng mến Ðức Chúa Giêsu cho trọn.

Ðọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh

Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

 

Nơi thứ bảy:

Ðức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai

Các sự khốn khó Ðức Chúa Giêsu chịu một ngày một hơn gượng đi chẳng được, thì ngã xuống đất lần nữa, quân dữ đạp dậy, giục đi cho chóng. Xin Ðức Chúa Giêsu ban ơn cho con được giữ lòng vững vàng đi đàng nhân đức một ngày một hơn.

Ðọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh

Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

 

Nơi thứ tám:

Ðức Chúa Giêsu đứng lại an ủi con thành Giêrusalem

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu chịu trăm nghìn sự thương khó cho được đứng lại yên ủi con thành Giêrusalem như Cha yên ủi con trong cơn khóc lóc. Xin Ðức Chúa Giêsu yên ủi linh hồn con cùng các con chiên nước này, như yên ủi con thành Giêrusalem vậy, chớ để chúng con mồ côi làm chi.

Ðọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh

Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

 

Nơi thứ chín:

Ðức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

Lay ơn Ðức Chúa Giêsu, đã gần đến núi Calavariô, chẳng còn ai nhìn, máu đã chảy ra hết thì ngã xuống đất một lần nữa. Ớ con cháu Adong, hãy xem Chúa mình ngã xuống đất nhiều lần làm vậy vì ai? Xin Ðức Chúa Giêsu thương chúng con cho đến sau hết, chớ bỏ con mọn yếu đuối dại dột làm chi.

Ðọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh

Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

 

Nơi thứ mười:

Quân dữ lột áo Ðức Chúa Giêsu

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu, khi quân dữ toan đóng đanh Ðức Chúa Giêsu thì nó lột áo ra hết để cho xấu hổ cùng đau đớn, xin ban ơn cho con giũ mình cho khỏi chước ma quỉ cám dỗ.

Ðọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh

Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

 

Nơi thứ mười một:

Quân dữ đóng đanh Ðức Chúa Giêsu

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu chịu đóng đanh vào Thánh Giá vì tội con, xin ban ơn cho con đóng đanh tính xác thịt con vào Thánh Giá Chúa con, kẻo còn phạm tội lỗi nữa.

Ðọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh

Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

 

Nơi thứ mười hai:

Ðức Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Giá

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu chịu mọi sự khó cho đến gần hết hơi, thì gục đầu xuống giã (biệt) Ðức Mẹ mà sinh thì, xin ban ơn cho con giữ đạo cho đến giờ sau hết được phó linh hồn trong tay Chúa con.

Ðọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh

Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

 

Nơi thứ mười ba:

Tháo đanh Ðức Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Ðức Mẹ

Ai xem thấy hai ông thánh tháo đanh Ðức Chúa Giêsu, mà đem xuống cách thảm thiết làm vậy mà cầm nước mắt được sao? Xin ban ơn cho con gỡ mình cho khỏi các tội, như tháo đanh Ðức Chúa Giêsu vậy.

Ðọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh

Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

 

Nơi thứ mười bốn:

Táng xác Ðức Chúa Giêsu trong hang đá

Ông thánh Giuse, ông thánh Nicôđêmô, ông thánh Gioan tắm xác Ðức Chúa Giêsu cho sạch các dấu, lấy thuốc thơm mà xức, lấy khăn sạch mà bọc cùng táng trong hang đá. Mọi sự khốn khó Ðức Chúa Giêsu chịu nào có khi nào khó khăn thiếu thốn cho bằng khi táng xác ru? Xin ban lòng mến cho con như thuốc thơm và lòng sạch sẽ như khăn sạch, cùng lòng vững vàng như hang đá và các ơn bởi sự thương khó Ðức Chúa Giêsu. Xin cho con dọn mình chịu Mình Thánh Máu Thánh Ðức Chúa Giêsu vào lòng như táng nhiệm ở đời này, cho ngày sau được xem thấy tỏ tường Ðức Chúa Giêsu hằng sống hằng trị cùng Ðức Chúa Cha, cùng Ðức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen

  

 


Back to Home Page

Suy Niệm Ðàng Thánh Giá 2011 (Colosseo 22-4-2011)

Suy Niệm Ðàng Thánh Giá 2011

(Colosseo 22-4-2011)

 

Suy Niệm Ðàng Thánh Giá 2011 (Colosseo 22-4-2011)

 

Chặng Thứ Nhất

Ðức Chúa Giêsu Chịu Xử Án

Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 18,37-40

Ông Philatô liền hỏi Ðức Chúa Giêsu: "Vậy Ông là Vua sao?" Ðức Chúa Giêsu đáp: "Chính ngài nói rằng Tôi là Vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi". Ông Philatô nói với Người: "Sự thật là gì?" Nói thế rồi, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ: "Phần tôi, tôi không tìm thấy lý do nào để kết tội Ông ấy. Theo tục lệ của các người, vào dịp lễ Vượt Qua, tôi thường tha một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha Vua dân Do-thái cho các ngươi không?" Họ lại la lên rằng: "Ðừng tha Nó, nhưng xin tha Baraba!" Mà Baraba là một tên cướp.

 

Quan Philatô không tìm thấy lý do nào để kết tội Ðức Chúa Giêsu, nhưng cũng không tìm ra sức mạnh nơi ông để chống lại bản án. Thính giác nội tâm của ông giả điếc trước Lời Ðức Chúa Giêsu nói và không hiểu chứng tá sự thật của Ngài. "Lắng nghe sự thật là vâng phục sự thật và tin nơi sự thật". Ðiều đó có nghĩa là sống cách tự do dưới sự hướng dẫn của sự thật và trao cho sự thật chính con tim của mình. Philatô không được tự do: ông bị điều kiện hóa từ thế giới bên ngoài, nhưng sự thật mà ông nghe vẫn tiếp tục reo vang nơi sâu kín lòng ông như một tiếng vọng cứ gõ mãi và gây âu lo. Vì lý do ấy mà ông trở ra, tiến về phía người Do-thái; "ông lại ra", văn bản Kinh Thánh nhấn mạnh, giống như một thúc đẩy chạy trốn khỏi chính mình. Và tiếng nói đến với ông từ bên ngoài lại lấn át Lời ở bên trong. Giờ đây ông quyết định kết án Ðức Chúa Giêsu, kết án sự thật.

 

Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,

Chúng con cũng thế, chúng con để mình bị điều kiện hóa từ những gì ở bên ngoài. Chúng con không còn biết lắng nghe tiếng nói tinh-vi, yêu-sách và giải-thoát của lương tâm chúng con mà từ bên trong vẫn hằng âu yếm nhắc nhở và kêu mời rằng: "Ðừng ra ngoài, hãy tìm kiếm ở chính bạn; sự thật cư ngụ nơi nội tâm con người".

Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,

xin giúp chúng con gặp gỡ trong "con người dấu ẩn nơi sâu thẳm lòng chúng con" Thánh Nhan của Người Con hằng đổi mới chúng con trong Sự Ðồng Hình Ðồng Dạng Thần Linh.

 

Stabat Mater dolorósa

iuxta crucem lacrimósa,

dum pendébat Fílius.

Mẹ Sầu Bi tầm tã giọt châu

đang đứng bên Cây Thánh Giá,

nơi Con Mình đã bị treo lên.

 

Chặng Thứ Hai

Ðức Chúa Giêsu Xê Vai Lại Mà Vác Lấy Cây Thánh Giá

Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 19,6-7/16-17

Khi vừa thấy Ðức Chúa Giêsu, các thượng tế cùng nhóm thuộc hạ liền kêu lên rằng: "Ðóng đinh! Ðóng đinh Nó vào thập giá!" Ông Philatô bảo họ: "Các người cứ đem Ông Này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội Ông Ấy". Người Do-thái đáp lại: "Chúng tôi có Lề Luật, và chiếu theo Lề Luật, thì Nó phải chết, vì Nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa" .. Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Chúa Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Ðức Chúa Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Golgotha.

 

Quan Philatô do dự, ông cố tìm kiếm một chứng cớ để thả Ðức Chúa Giêsu ra, nhưng rồi ông lại đầu hàng trước ý muốn trổi vượt và cằn-nhằn: "Hãy nại đến Lề Luật!" đám đông liền hò hét những câu lăng nhục và xúc phạm.

Câu chuyện trái tim bị thương của con người cứ tiếp tục lập lại: cái bủn-xỉn, cái bất-lực ra khỏi chính mình để không bị lường gạt từ những ảo-ảnh của cái lợi-lộc nhỏ-nhen cá nhân và vươn mình lên cao, được cất bổng nhờ đà nhảy vọt tự do của lòng tốt và sự ngay thẳng.

Trái tim con người là một tiểu vũ trụ.

Nơi trái tim quyết định các định mệnh lớn lao của nhân loại, giải quyết hoặc gia tăng các tranh chấp. Nhưng sự tuần-hoàn vẫn luôn luôn giống nhau: nắm-bắt hoặc đánh-mất sự thật có sức giải thoát.

 

Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,

Trong cuộc sống hàng ngày, trái tim chúng con thường nhìn xuống thấp, nơi thế giới bé nhỏ, và, hoàn toàn bị chiếm-cứ bởi cái tính-toán cho tiện-nghi riêng tư, để rồi nhắm mắt trước bàn tay của người nghèo và người vô phương thế tự vệ đang giơ lên van xin lắng nghe và cứu giúp. Cùng lắm là nó có chút xúc động nhưng lại không làm gì hết.

Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,

xin chiến thắng trái tim chúng con và kéo nó lại gần Chúa. "Tại sao lại ước ao một khẩu-cái thích hợp hơn để thưởng thức các mùi vị, nếu không phải là để được nuôi dưỡng và giải khát bằng khôn-ngoan, công-bình, sự-thật và vĩnh-cữu?"

 

Cuius ánimam geméntem,

contristátam et doléntem

pertransívit gládius.

Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua

tâm hồn Bà đang rên siết,

đang sầu khổ và đau buồn.

 

Chặng Thứ Ba

Ðức Chúa Giêsu Ngã Xuống Ðất Lần Thứ Nhất

Trích Phúc Âm theo thánh Matthêu 11,28-30

Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh chị em hãy mang lấy ách của Thầy, và hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh chị em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Thầy êm ái, và gánh Thầy nhẹ nhàng.

 

Những cái ngã của Ðức Chúa Giêsu dọc dài Ðường Thánh Giá không thuộc về Văn Bản Thánh; nhưng chúng là một truyền đạt của lòng đạo đức truyền thống, được gìn giữ và củng cố nơi con tim của rất nhiều truyền khẩu.

Khi ngã xuống đất lần thứ nhất, Ðức Chúa Giêsu gởi đến chúng ta một lời mời, mở ra cho chúng ta một con đường, khai mào cho chúng ta một trường học.

Ðó là lời mời hãy đến với Người khi chúng ta cảm nghiệm cái bất-lực của con người, để khám phá ra mầm-ghép của Quyền Năng Thiên Chúa. Ðó là con đường dẫn đến nguồn suối bồi dưỡng chân thực, là Ơn Thánh làm cho thỏa mãn.

Ðó là trường học, nơi chúng ta học biết sự dịu hiền làm giảm nhẹ cái phản loạn và lòng tin tưởng thế chỗ cho sự kiêu ngạo.

Từ tòa giảng về cái ngã xuống đất của Người, Ðức Chúa Giêsu đặc biệt dạy cho chúng ta một bài học cao cả về lòng khiêm tốn, "đường dẫn đến phục sinh". Con đường mà, cứ sau mỗi lần ngã, ban cho chúng ta sức mạnh để có thể nói: "Giờ đây con bắt đầu lại, ôi lạy Chúa, nhưng với Chúa, chứ không phải một mình con!"

 

Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,

các lần ngã của chúng con, dệt nên bởi hạn hẹp và tội lỗi,

làm thương tổn cái kiêu ngạo của trái tim chúng con,

đóng kín nó trước ơn thánh của lòng khiêm tốn

và làm dừng bước cuộc hành trình chúng con tiến đến gặp gỡ Chúa.

Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,

xin giải thoát chúng con khỏi mọi cớ tự đầy đủ

và ban cho chúng con biết nhận ra nơi mỗi lần ngã là một bậc thang bước lên đến Chúa!

 

O quam tristis et afflícta

fuit illa benedícta

Mater Unigéniti.

Ôi đau buồn sầu khổ biết bao

cho Bà Mẹ đáng suy tôn

của Người Con duy nhất.

 

Chặng Thứ Bốn

Ðức Chúa Giêsu Gặp Ðức Mẹ

Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 19,25-27

Ðứng gần Thánh Giá Ðức Chúa Giêsu, có Thân Mẫu Người, Chị của Thân Mẫu, bà Maria vợ ông Clopas, cùng với bà Maria Magdala. Khi thấy Thân Mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Chúa Giêsu nói với Thân Mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà". Rồi Người nói với môn đệ: "Ðây là Mẹ của con". Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình.

 

Thánh Gioan chỉ cho chúng ta thấy sự hiện diện của Ðức Mẹ đứng gần Thánh Giá Ðức Chúa Giêsu, nhưng không một thánh sử nào nói trực tiếp cho chúng ta biết về cuộc gặp gỡ giữa hai Ðấng. Thật ra thì chỗ đứng của Ðức Mẹ dưới chân Thánh Giá quy tụ thành ngữ của cuộc gặp gỡ tràn-đầy và cao-xa. Trong cái bất-động của động từ "đứng" hàm chứa sự sống động sâu kín của một sinh động.

Ðó là sức sinh động mãnh liệt của cầu nguyện, nối liền với cái thụ động trầm-lắng. Cầu nguyện là tự để mình cuốn hút bởi cái nhìn yêu thương và chân thật của Thiên Chúa, Ðấng mặc khải cho chúng ta và sai chúng ta đi làm sứ mệnh.

Trong cầu nguyện chân chính, cuộc gặp gỡ riêng tư với Ðức Chúa Giêsu làm thành người mẹ và môn đệ dấu yêu, làm nẩy sinh sự sống và thông truyền tình yêu. Nó mở rộng khoảng không gian nội tâm cho việc tiếp rước và dệt nên các mối liên hệ thần bí hiệp thông, khiến chúng ta tin tưởng lẫn nhau và mở rộng từ "tôi" sang từ "chúng tôi" của Hội Thánh.

 

Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,

Khi các nghịch cảnh và bất công của cuộc sống, nỗi đau vô tội và cái bạo lực tàn khốc làm cho chúng con lăng mạ chống lại Chúa, Chúa mời gọi chúng con hãy đứng vững, như Mẹ Chúa, dưới chân Thánh Giá.

Khi mà những kỳ vọng và những khởi sự của chúng con, mịt mờ không tương lai hoặc ghi dấu thất bại, khiến chúng con chạy trốn vào tuyệt vọng, Chúa dẫn đưa chúng con về với sức mạnh của đợi chờ.

Chúng con thực sự đã quên mất quyền lực của việc đứng dưới chân Thánh Giá như thành ngữ của cầu nguyện!

Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,

xin Chúa là "tiếng kêu của lòng chúng con", tiếng kêu không ngừng và cũng không thể diễn tả, đang tri-kỷ bày tỏ trước sự hiện diện của Thiên Chúa!

 

Quae moerébat et dolébat,

pia Mater, cum vidébat,

Nati poenas íncliti.

Bà Mẹ Hiền nhìn xem nỗi khổ hình

của Người Con Chí Thánh,

mà đau lòng thổn thức tâm can.

 

Chặng Thứ Năm

Quân Dữ Bắt Ép Ông Ximong Vác Ðỡ Thánh Giá Với Chúa

Trích Phúc Âm theo thánh Luca 23,26

Khi điệu Ðức Chúa Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê, tên là Ximong, gốc Xirênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Ðức Chúa Giêsu.

 

Ông Ximong thành Xirênê là người được các thánh sử đặc biệt xác định tên gọi và xuất xứ, họ hàng và công việc; ông được chụp hình trong không gian và thời gian rõ ràng, và trong một cách thức nào đó, bị ép buộc vác đỡ thập giá không phải của mình. Trong thực tế, ông Ximong thành Xirênê chính là mỗi người trong chúng ta. Ông nhận cây gỗ Thánh Giá Ðức Chúa Giêsu, giống như ngày chúng ta nhận và tiếp rước dấu chỉ của Bí Tích Rửa Tội.

Cuộc đời người môn đệ Ðức Chúa Giêsu là tuân phục dấu chỉ Cây Thánh Giá, trong một hành vi thật đặc thù đến từ sự tự do của tình yêu. Nó phản ánh sự tuân phục của Thầy mình. Nó hoàn toàn tín thác tự để mình được giáo huấn như Thầy bởi môn hình-học của tình yêu, có cùng kích thước của chính Cây Thánh Giá: "chiều rộng của các công tác đạo đức; chiều dài của sự kiên trì trong nghịch cảnh; chiều cao của niềm mong đợi luôn hy vọng và ngước nhìn lên cao; chiều sâu của gốc rễ ơn thánh gắn sâu trong sự nhưng-không".

 

Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,

Khi cuộc đời trao cho chúng con chén cay đắng và khó khăn để uống,

bản tính tự nhiên của chúng con là khép lại, là chống đối, không dám để mình được lôi cuốn vào cái điên rồ của tình yêu thật rộng lớn,

có sức biến đổi sự từ bỏ thành niềm vui,

vâng phục thành tự do,

hy sinh thành sự mở rộng của trái tim!

Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,

xin Chúa làm cho chúng con biết tuân phục tiếp nhận Thánh Giá,

ngoan ngoãn khi Thánh Giá ôm trọn con người chúng con: "Thể xác và linh hồn, tư tưởng và ý chí, giác quan và tình cảm, hành động và đau khổ" và Thánh Giá nới rộng tất cả theo kích thước của tình yêu!

 

Quis est homo, qui non fleret,

Christi Matrem si vidéret

in tanto supplício?

Ai là người không tuôn châu lệ

khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô

trong cảnh cực hình như thế?

 

Chặng Thứ Sáu

Thánh Nữ Vêrônica Lau Mặt Chúa

Trích Thư thứ hai thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô 4,6

Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: "Ánh Sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm!", Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Ðức Chúa Kitô.

 

Dọc dài Ðường Thánh Giá, lòng đạo đức bình dân mô tả cử chỉ của một phụ nữ, đong đầy nét tế nhị và lòng tôn kính, như là một vạch-dài của hương thơm Bêtania: bà Vêrônica lau mặt Ðức Chúa Giêsu. Nơi Khuôn Mặt này, bị biến dạng vì đau đớn, bà Vêrônia nhận ra Gương Mặt biến đổi bởi vinh quang; dưới các nét mô tả Vị Tôi Tớ khổ đau, bà nhìn thấy Con Người Ðẹp Nhất trong con cái loài người. Chính cái nhìn này khơi động cử chỉ nhưng-không của sự trìu mến và nhận được phần thưởng in dấu Thánh Nhan! Bà Vêrônica dạy chúng ta bí thuật của cái nhìn nữ giới, "tìm đến gặp gỡ Người và giơ tay cứu giúp Người: nhìn với trái tim!"

 

Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,

Cái nhìn của chúng con là một cái nhìn không thể đi xa hơn:

vượt khỏi lãnh đạm để nhận ra sự hiện diện của Chúa,

vượt khỏi bóng tối của tội lỗi để thoáng nhìn thấy mặt trời của lòng từ bi Chúa,

vượt khỏi các vết nứt của thánh đường để chiêm ngưỡng khuôn mặt của người mẹ.

Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,

Xin nhỏ vào mắt chúng con "giọt thuốc nhỏ mắt của Ðức Tin" hầu nó không để bị lôi cuốn bởi cái vẽ bề ngoài của các sự vật hữu hình, nhưng học biết ngỡ ngàng thán phục trước những gì là vô hình!

 

Quis non posset contristári,

piam Matrem contemplári,

doléntem cum Filio?

Ai có thể không buồn bã

nhìn xem Mẹ Chúa Kitô,

đang đau khổ cùng với Con Mình?

 

Chặng Thứ Bảy

Ðức Chúa Giêsu Ngã Xuống Ðất Lần Thứ Hai

Trích Thư thứ nhất thánh Phêrô tông đồ 2,21b-24

Thật vậy, Ðức Chúa Kitô đã chịu đau khổ vì anh chị em, để lại một gương mẫu cho anh chị em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Ðấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên Cây Thánh Giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh chị em đã được chữa lành.

 

Ðức Chúa Giêsu lại ngã xuống đất dưới sức nặng của Cây Thánh Giá. Trên cây gỗ cứu chuộc chúng ta mang sức nặng không phải chỉ những tàn tật của bản tính con người mà có cả các nghịch cảnh của cuộc sống. Ðức Chúa Giêsu đã vác sức nặng cuộc bách hại chống lại Hội Thánh hôm qua và hôm nay, cuộc bách hại giết chết các Kitô-hữu nhân danh một vị thiên chúa xa lạ với tình yêu và cuộc bách hại xúc phạm đến nhân phẩm với "làn môi giả dối và ngôn ngữ lọc lừa". Ðức Chúa Giêsu đã vác sức nặng của cuộc bách hại đối đầu với Phêrô, cuộc bách hại chống lại tiếng nói trong sáng của "sự thật chất-vấn và giải thoát trái tim". Với Thánh Giá của Người, Ðức Chúa Giêsu đã vác sức nặng của cuộc bách hại chống lại các tôi tớ và môn đệ của Người, chống lại tất cả những ai dùng tình yêu đáp lại hận thù, hiền dịu đáp lại bạo lực. Với Thánh Giá của Người, Ðức Chúa Giêsu đã vác sức nặng cái thái-quá của "tình yêu ích kỷ đến độ khinh-thị Thiên Chúa" và đạp lên đầu anh chị em. Ðức Chúa Giêsu đã tự ý vác tất cả những điều ấy, đã chịu đau khổ tất cả "với sự kiên nhẫn của Người, để giáo huấn sự kiên nhẫn của chúng ta".

 

Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,

Các bất công và nghịch cảnh của cuộc sống này, chúng con không biết chịu đựng chúng trong kiên nhẫn. Rất thường khi chúng con cầu khẩn, như dấu hiệu quyền năng Chúa, giải thoát chúng con khỏi sức nặng cây gỗ của thánh giá chúng con.

Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,

Xin dạy chúng con bước theo gương mẫu của Ðức Chúa Kitôđể "thực hiện các nguyên tắc lớn lao của sự nhẫn nại của Người bằng thái độ của trái tim"!

 

Pro peccátis suae gentis,

vidit Jesum in torméntis,

et flagéllis subditum

Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu

vì tội dân mình mà khổ cực

và bị vùi giập dưới làn roi.

 

Chặng Thứ Tám

Ðức Chúa Giêsu An Ủi Những Người Phụ Nữ Nhân Ðức Thành Giêrusalem Theo Chúa

Trích Phúc Âm theo thánh Luca 23,27-31

Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Ðức Chúa Giêsu quay lại phía các bà và nói: "Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương Thầy làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: "Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh đẻ, kẻ không cho bú mớm!" Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: "Ðổ xuống chúng tôi đi!" và với gò nổng: "Phủ lấp chúng tôi đi!" Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?"

 

Ðức Chúa Giêsu Thầy Chí Thánh, dọc dài Ðường lên Calvario, Người tiếp tục huấn luyện nhân bản chúng ta. Khi gặp các phụ nữ thành Giêrusalem, Ðức Chúa Giêsu tiếp nhận trong ánh nhìn sự thật và lòng từ bi của Người, các giọt nước mắt thông cảm khóc thương Người. Vì Thiên Chúa, từng than khóc thành Giêrusalem, giờ đây khuyên bảo các phụ nữ này hầu cho các giọt nước mắt của các bà không dừng lại nơi lòng trắc ẩn bên ngoài. Ðức Chúa Giêsu mời gọi các phụ nữ nhận ra nơi Người thân phận của người vô tội bị kết án bất công và bị đốt cháy, như gỗ tươi, bởi "sự trừng phạt trả lại cho chúng ta sự bình an". Người giúp các phụ nữ chất vấn gỗ khô của chính lòng mình để cảm nghiệm nỗi đau có lợi cho việc ăn năn hối cải.

Nước mắt chân thành chảy ra nơi đây, khi các đôi mắt bày tỏ với nước mắt nhỏ ra không những vì tội lỗi mà còn vì nỗi lòng đau đớn nữa. Ðó là những giọt nước mắt phúc lành, giống như các giọt nước mắt của Phêrô, dấu chứng của lòng thống hối và nhất quyết hoán cải, đó là những giọt nước mắt canh tân nơi chúng ta ơn thánh bí tích Rửa Tội.

 

Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,

Trong Thân Xác của Chúa bị đau đớn và bị hành hung, bị giảm uy tín và bị nhạo báng, chúng con không biết nhận ra các vết thương của nỗi bất trung và các tham vọng, các phản bội và nổi loạn của chúng con. Ðó là những vết thương rên siết và khẩn cầu hương-dược hoán cải, trong lúc ngày nay chúng con không còn biết khóc lóc ăn năn cho tội lỗi của chúng con nữa.

Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,

Xin tuôn đổ trên chúng con hồng ân khôn ngoan! Trong ánh sáng tình yêu cứu rỗi, xin ban cho chúng con ơn hiểu biết sự khốn cùng của chúng con, "những giọt nước mắt tẩy sạch lầm lỗi, những tiếng khóc than đáng nhận được ơn tha thứ!"

 

Tui Nati vulneráti,

tam dignáti pro me pati,

poenas mecum dívide.

Xin Mẹ cho con được chia phần thống khổ,

của Con Mẹ đã thương vong,

đã khấng chịu cực hình vì con như thế.

 

Chặng Thứ Chín

Ðức Chúa Giêsu Ngã Xuống Ðất Lần Thứ Ba

Trích Phúc Âm theo thánh Luca 22,28-30a/31-32

Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy ... Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con, để con khỏi mất đức tin. Còn con, một khi đã hồi tâm trở lại, hãy làm cho anh em của con nên vững mạnh".

 

Khi ngã xuống đất lần thứ ba, Ðức Chúa Giêsu bày tỏ với tình yêu nào Ngài chấp nhận vì chúng ta để mang gánh nặng thử thách và lập lại lời Ngài mời chúng ta bước theo Ngài với lòng trung tín cho đến cùng. Nhưng Ngài cũng cho phép chúng ta thoáng nhận thấy xuyên qua tấm màn che của lời hứa: "Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng hiển trị với Người".

Các lần ngã xuống đất của Ðức Chúa Giêsu thuộc về mầu nhiệm Nhập Thể của Người. Người đến tìm kiếm chúng ta ngay trong cái yếu hèn của chúng ta, Ngài xuống tận nơi tột cùng cái yếu hèn để nâng chúng ta lên cùng Người. "Như vậy Người chỉ cho chúng ta con đường của khiêm nhu, để mở ra cho chúng ta con đường thống hối trở về". "Người dạy cho chúng ta biết dùng sự kiên nhẫn như vũ khí để chiến thắng thế gian". Lúc này đây, khi ngã xuống đất lần thứ ba, trong lúc "Người cảm thông nỗi yếu hèn của chúng ta", Người chỉ cho chúng ta phương cách làm thế nào để không quã quỵ dưới cơn thử thách: kiên trung, giữ vững và không lay chuyển. Nói cách giản dị là: "Hãy ở lại trong Người".

 

Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,

Ðối diện với thử thách đo lường Ðức Tin của chúng con, chúng con buồn sầu: chúng con chưa tin rằng các thử thách của chúng con đã từng là thử thách của Chúa và Chúa chỉ mời gọi chúng con sống các thử thách với Chúa.

Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,

trong các lần ngã ghi dấu con đường của chúng con! Xin dạy chúng con biết dựa trên sự trung tín của Ðức Chúa Giêsu, biết tin nơi lời cầu của Người dành cho chúng con, để tiếp nhận cái sức mạnh mà chỉ duy nhất nơi Người, Thiên Chúa ở cùng chúng con, mới có thể ban cho chúng con!

 

Eia, Mater, fons amóris,

me sentíre vim dolóris

fac, ut tecum lúgeam.

Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến,

xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương,

để cho con được khóc than cùng Mẹ.

 

Chặng Thứ Mười

Quân Dữ Lột Áo Ðức Chúa Giêsu Ra

Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 19,23-24

Ðóng đinh Ðức Chúa Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: "Ðừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được". Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn". Ðó là những điều lính tráng đã làm.

 

Ðức Chúa Giêsu trần trụi. Hình ảnh Ðức Chúa Kitô bị lột trần thật phong phú cho các suy tư Kinh Thánh: Hình ảnh đưa chúng ta về với sự trần truồng vô tội của nguyên thủy và cái xấu hổ sau khi sa ngã phạm tội.

Trong cái ngây thơ vô tội nguyên thủy, sự trần truồng là y phục của vinh quang con người: tình bạn trong trắng và tốt đẹp với Thiên Chúa. Sau khi sa ngã phạm tội, mối hòa điệu của quan hệ này bị bẻ gãy, cái trần truồng làm cho xấu hổ và giữ lại nơi nó kỷ niệm đau thương của sự mất mát lớn lao.

Trần truồng đồng nghĩa với sự thật của hữu thể.

Ðức Chúa Giêsu, bị tước đoạt y phục của Người, khởi hành từ Thánh Giá dệt lại y phục phẩm giá làm con cái của con người. Tấm áo choàng không đường khâu vẫn còn đó, giữ nguyên vẹn cho chúng ta: y phục tình hiếu thảo Con Thiên Chúa của Ðức Chúa Giêsu không bị xé rách, nhưng Người ban cho chúng ta từ đỉnh cao của Cây Thánh Giá.

 

Lạy Ðức Chúa Giêsu khiêm nhu,

Trước cái trần trụi của Chúa, chúng con khám phá ra cái chính yếu của đời sống và niềm vui của chúng con: được ở trong Chúa với tư cách làm con của cha. Nhưng chúng con cũng xin thú nhận sự việc chúng con cưỡng lại không muốn chấp nhận cái nghèo khó như tùy thuộc vào Người Cha và chấp nhận sự trần truồng như y phục của đứa con.

Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,

Xin giúp chúng con nhận ra và chúc phúc nơi mỗi lần chúng con bị tước đoạt trần trụi, là một cuộc hẹn với sự thật của hữu thể của chúng con, là một gặp gỡ với sự trần trụi cứu chuộc của Ðấng Cứu Thế, là một lợi khí tiến vào vòng tay con thảo với Người Cha!

 

Fac, ut árdeat cor meum,

in amándo Christum Deum,

ut sibi compláceam.

Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu,

mến yêu Ðức Kitô là Thiên Chúa,

để cho con có thể làm đẹp ý Người.

 

Chặng Thứ Mười Một

Ðức Chúa Giêsu Chịu Ðóng Ðinh Chân Tay Vào Thánh Giá

Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 19,18-22

Tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Ðức Chúa Giêsu thì ở giữa. Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: "Giêsu Nadarét, Vua dân Do-thái". Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Ðức Chúa Giêsu bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các thứ tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp. Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Philatô: "Xin ngài đừng viết: "Vua dân Do-thái", nhưng viết: "Ông này đã nói: Ta là Vua dân Do-thái". Ông Philatô trả lời: "Tôi viết sao, cứ để vậy!"

 

Ðức Chúa Giêsu chịu đóng đinh ở chính giữa: bản viết vương-giả đóng ở bên trên Cây Thánh Giá, tiết lộ chiều sâu của mầu nhiệm: Ðức Chúa Giêsu là Vua và Thánh Giá là ngai của Người. Vương quốc của Ðức Chúa Giêsu, viết bằng ba thứ tiếng, là một sứ điệp hoàn vũ: đối với kẻ bình dân và nhà thông thái, kẻ nghèo và người quyền thế, đối với người tự để mình được Lề Luật Thiên Chúa hướng dẫn và đối với kẻ đặt niềm tin tưởng nơi quyền bính chính trị. Hình ảnh Ðấng Chịu Ðóng Ðinh, mà không một bản án nhân loại nào có thể tước khỏi bọc ngăn trái tim chúng ta, sẽ mãi mãi là ngôn ngữ vương-giả của sự thật: "Ánh sáng đóng đinh chiếu soi người mù", "gia sản dấu ẩn, bọc kín mà chỉ có cầu nguyện mới có thể khám phá ra", chính là con tim của thế giới.

Ðức Chúa Giêsu không cai quản bằng cách thống trị với quyền hành của thế giới này, Người "không có đạo binh nào dưới trướng". "Ðức Chúa Giêsu cai trị bằng thu hút": nam châm của Người là Tình Yêu của Chúa Cha tự hiến nơi Người vì chúng ta "cho đến vô cùng tận". "Nơi sức nóng của Người không gì có thể dấu ẩn"!

 

Lạy Chúa Giêsu, Ðấng Chịu Ðóng Ðinh vì chúng con!

Chúa là Ðấng bày tỏ Tình Yêu lớn lao của Chúa Cha cho nhân loại, là hình ảnh của duy nhất sự thật có thể tin được. Xin Chúa lôi kéo chúng con về với Chúa hầu cho chúng con học cách sống "nhờ tình yêu của Tình Yêu Chúa".

Xin đến, lạy Thánh Thần Chân Lý,

Xin giúp chúng con luôn luôn chọn lựa "Thiên Chúa và thánh ý Ngài" đối lại các lợi lộc của thế gian và các quyền lực thế trần, để khám phá ra trong cái bất lực bên ngoài của Ðấng Chịu Ðóng Ðinh quyền lực luôn luôn mới mẻ của sự thật.

 

Sancta Mater, istud agas,

crucifixi fige plagas,

cordi meo válide.

Ôi Thánh Mẫu, xin Mẹ làm ơn,

đóng vào lòng con cho thực mạnh,

những vết thương của Ðấng bị treo trên Cây Thánh Giá.

 

Chặng Thứ Mười Hai

Ðức Chúa Giêsu Chịu Chết Trên Cây Thánh Giá

Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 19,28-30

Sau đó, Ðức Chúa Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: "Tôi Khát!" Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Ðức Chúa Giêsu nói: "Thế là đã hoàn tất!" Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

 

"Ta khát!" "Thế là đã hoàn tất!" Bởi hai Lời này, Ðức Chúa Giêsu ký thác cho chúng ta, khi hướng một cái nhìn về nhân loại và cái nhìn kia về Chúa Cha, niềm ao ước nồng nhiệt đã kích động bản thân và sứ mệnh của Người: tình yêu dành cho loài người và sự tuân phục Chúa Cha. Một tình yêu hàng dọc và một tình yêu hàng ngang: đó chính là hình vẽ Cây Thánh Giá! Và điểm gặp gỡ của hai tình yêu này chính là nơi đầu Ðức Chúa Giêsu gục xuống và trao Thần Khí, hoa quả đầu tiên cuộc trở về của Người với Chúa Cha.

Trong hơi thở sự sống của việc hoàn tất này vang vọng lời nhắc nhở công trình tạo dựng, giờ đây được cứu chuộc, cũng như nhắc nhở tất cả chúng ta những người tin nơi Người rằng "những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ sức". Cho đến khi nào tất cả được hoàn tất!

 

Lạy Ðức Chúa Giêsu, chịu chết vì chúng con!

Chúa xin để cho, Chúa chết để giải thoát, và, cùng lúc, Chúa làm cho chúng con khám phá ra trong việc trao hiến chính mình, cử chỉ tạo thành khoảng không gian của hiệp nhất. Xin Chúa tha thứ cho giấm chua của sự từ chối và lòng cứng tin của chúng con. Xin Chúa tha thứ cho lòng chúng con giả điếc trước tiếng Chúa kêu "Ta Khát" vẫn tiếp tục vang lên từ nỗi thống khổ của không biết bao nhiêu anh chị em chúng con.

Xin đến, lạy Ðức Chúa Thánh Thần,

Di sản của Chúa Con chịu chết vì chúng con: xin là vị hướng dẫn "đưa chúng con vào sự thật toàn vẹn" và là "gốc rễ gìn giữ chúng con trong sự hiệp nhất"!

 

Vidit suum dulcel natum,

moriéntem desolátum,

dum emísit spíritum.

Mẹ nhìn Con mình dịu hiền như thế,

bị thống khổ lúc lâm chung,

khi Người trút hơi thở cuối cùng.

 

Chặng Thứ Mười Ba

Môn Ðệ Ðức Chúa Giêsu Hạ Xác Người Xuống Cùng Phú Cho Ðức Mẹ

Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 19,32-35/38

Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Chúa Giêsu. Khi đến gần Ðức Chúa Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin .. Sau các việc này, ông Giuse thành Arimathia, là môn đệ theo Ðức Chúa Giêsu nhưng cách kín đáo vì sợ người Do-thái, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Ðức Chúa Giêsu xuống. Ông Philatô chấp thuận. Vậy, họ đến và hạ thi hài Người xuống.

 

Cạnh sườn Ðức Chúa Giêsu bị mở ra: vết thương trở thành một kẽ hở, một cánh cửa mở ra trên trái tim Thiên Chúa. Nơi đây, Tình Yêu vô biên Người dành cho chúng ta tự để cho đến kín múc như dòng nước sống động và như mước giải khát vô hình và làm cho tái sinh. Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đến gần thi hài Ðức Chúa Giêsu được hạ xuống từ Cây Thánh Giá và được giữ đỡ bởi đôi tay của Mẹ Người. "Thật vậy, không phải nhờ bước đi mà chúng ta tiến đến gần Ðức Chúa Kitô, nhưng nhờ Ðức Tin; vì thế, chúng ta không có tác động nào in dấu cho thân thể chúng ta: chỉ cần có tấm lòng thiện chí". Trong thân xác bất động này, chúng ta nhận ra các phần thân thể bị thương đau, nhưng được bảo bọc trong vòng tay trìu mến của Mẹ Người.

Nhưng chúng ta cũng nhận ra trong vòng tay từ mẫu này, vừa dũng lực vừa dịu dàng.

Vòng tay mở rộng của Giáo Hội - Mẹ giống như bàn thờ trao cho chúng ta Thi Hài của Ðức Chúa Kitô và vào chính lúc ấy, chúng ta trở thành Nhiệm Thể của Ðức Chúa Kitô.

 

Lạy Ðức Chúa Giêsu,

được trao phó cho Mẹ Ngài, hình ảnh của Giáo Hội - Mẹ!

Trước bức tượng Mẹ Sầu Bi, chúng con học cách dâng mình đáp lại tình yêu,

chúng con học phó thác và tiếp nhận, tin tưởng và chú ý cụ thể, sự trìu mến chữa lành cuộc sống và gây niềm vui.

Xin đến, lạy Ðức Chúa Thánh Thần,

xin hướng dẫn chúng con, như Chúa đã hướng dẫn Ðức Mẹ Maria,

trong sự nhưng không rạng ngời của tình yêu "rằng Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng con hồng ân sự hiện diện của Chúa"!

 

Fac me vere tecum flere,

Crucifixo condolére,

donec ego víxero

Xin cho con được cùng Mẹ thảo hiếu khóc than,

Cùng Ðấng bị đóng đinh tỏ niềm thông cảm,

bao lâu con còn sinh sống ở đời.

 

Chặng Thứ Mười Bốn

Táng Xác Ðức Chúa Giêsu Vào Huyệt Ðá Mới

Trích Phúc Âm theo thánh Gioan 19,40-42

Các ông lãnh thi hài Ðức Chúa Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái. Nơi Ðức Chúa Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Ðức Chúa Giêsu ở đó.

 

Một thửa vườn, tượng trưng cho cuộc sống với các sắc mầu của nó, tiếp nhận mầu nhiệm con người được tạo dựng và được cứu chuộc. Trong một thửa vườn, Thiên Chúa đặt để thọ sinh của Người, và Người đã đuổi nó ra sau khi nó sa ngã phạm tội. Trong một thửa vườn đã bắt đầu Cuộc Khổ Nạn của Ðức Chúa Giêsu và trong một thửa vườn một ngôi mộ còn mới tiếp nhận Ađam mới trở về với lòng đất, cung lòng từ mẫu giữ gìn hạt giống phong phú đang chết.

Ðây là thời gian Ðức Tin chờ đợi trong thinh lặng, và từ niềm hy vọng, trên cành cây khô, đã thoáng nhìn thấy nẩy mầm một chồi non, hứa hẹn ơn cứu độ và niềm vui.

Giờ đây, tiếng "Thiên Chúa nói trong thinh lặng bao la của trái tim".

 

Quando corpus moriétur

fac, ut ánimae donétur

paradísi glória. Amen.

Khi mà xác thịt con sẽ chết,

xin cho linh hồn con được Chúa tặng ban,

vinh quang của cõi thiên-đường. Amen.

 

Các bài suy niệm cho Ðàng Thánh Giá Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI cử hành tối Thứ Sáu Tuần Thánh 22-4-2011 tại Hí Trường Colosseo ở thủ đô Roma do Mẹ Maria Rita Piccione, O.S.A., soạn. Mẹ là Chủ Tịch Liên Hiệp các nữ Ðan sĩ thánh Augustino của Ý, đang cư ngụ tại Ðan viện Santi Quattro Coronati ở Roma.

Ðàng Thánh Giá có 14 chặng theo truyền thống và những hình ảnh đi kèm các chặng đó trong tập sách nhỏ do Nữ tu Elena Maria Manganelli, O.S.A, Ðan sĩ dòng Thánh Augustino thuộc Ðan viện Lecceto thuộc tỉnh Siena (Trung Ý) vẽ.

(Office des célébrations liturgiques du Souverain Pontife - Chemin De La Croix Au Colisée présidé par le Saint-Père Benoit XVI - Vendredi Saint 22-4-2011)

 

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyet

  

 


Back to Home Page

Ðức Thánh Cha cử hành thứ Sáu Tuần Thánh

Các bài suy niệm

trong Ðàng Thánh Giá trọng thể

Ðức Thánh Cha cử hành thứ Sáu Tuần Thánh

 

Các bài suy niệm trong Ðàng Thánh Giá trọng thể Ðức Thánh Cha cử hành thứ Sáu Tuần Thánh: 6-4-2012.

Roma (Vat. 6/04/2012) - Lần đầu tiên một đôi vợ chồng giáo dân được Tòa Thánh ủy thác soạn các bài suy niệm cho buổi đi Ðàng Thánh Giá trọng thể Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 cử hành lúc 21.15 tối thứ Sáu Tuần Thánh 6 tháng 4 năm 2012 tại Hý trường Colosseo ở Roma.

Ðó là ông bà Danilo và Anna Maria Zanzucchi, người Italia. Ông Danilo năm nay đã 92 tuổi, sinh năm 1920 tại Parma, tốt nghiệp kỹ sư, từng làm chủ tịch phong trào Công giáo tiến hành ở Parma từ năm 1956 đến 1959. Cách đây 59 năm (1953), Danilo thành hôn với cô Anna Maria, một dược sĩ trẻ hơn ông 9 tuổi. Do cuộc hôn nhân này hai người sinh được 5 người con và hiện có 12 cháu nội ngoại.

Năm 1967, cùng với Chị Chiara Lubich, ông bà Zanzucchi thành lập Phong trào các Gia Ðình mới và hiện nay Phong trào có hơn 300 ngàn thành viên, với 4 triệu người thiện cảm tại 5 châu. Phong trào đề ra một phương thức mới để sống đời gia đình và canh tân nền văn hóa gia đình dựa trên 4 đường hướng chủ yếu là: linh đạo, giáo dục, xã hội tính và tình liên đới. Các thành viên phong trào dấn thân sống quyết liệt linh đạo hiệp nhất của Phong trào Tổ Ấm.

Các bài suy niệm của ông bà Danilo và Anna Maria Zanzucchi được công bố trước trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, qua đó tác giả nhắc đến những tình trạng đau khổ trong đời sống gia đình: bất trung, ly dị hoặc bệnh tật, khó khăn tài chánh, nghèo đói, những lối cư xử vô luân, bất hòa với cha mẹ, thiên tai. Dưới đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn các bài suy niệm Ðàng Thánh Giá:

 

Dẫn nhập

Chúa Giêsu nói: "Ai muốn theo Thầy hãy bỏ mình đi, vác thánh giá hằng ngày mà theo Thầy". Lời mời gọi này được gửi đến tất cả mọi người, người độc thân cũng như người có gia đình, người trẻ, người trưởng thành và người già, giàu cũng như nghèo, thuộc quốc tịch này hay quốc tịch khác. Lời mời gọi ấy cũng có giá trị đối với mỗi gia đình, mỗi thành phần gia đình hoặc toàn thể cộng đoàn bé nhỏ.

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn chung kết, Chúa Giêsu, nơi Vườn Cây Dầu, đã bị các tông đồ say ngủ bỏ rơi một mình, Ngài lo sợ trước những gì đang chờ đợi và đã thưa cùng Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi uống chén này". Nhưng Ngài thêm ngay: "Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi".

Trong lúc bi thảm và trọng đại ấy, ta thấy có một giáo huấn sâu xa đối với tất cả những người bước theo Chúa. Mỗi Kitô hữu, mỗi gia đình đều có thánh giá riêng: bệnh tật, chết chóc, thiếu hụt tài chánh, nghèo khó, phản bội, những thái độ vô luân của người này hay người khác, bất thuận với cha mẹ, thiên tai. Nhưng mỗi Kitô hữu, mỗi gia đình, trên con đường đau khổ ấy, đều có thể hướng nhìn Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người.

Giờ đây chúng ta cùng nhau tái cảm nghiệm kinh nghiệm cuối cùng của Chúa Giêsu trên trần thế, được đôi tay Chúa Cha đón nhận: một kinh nghiệm đau thương và tột đỉnh, trong đó Chúa Giêsu cô đọng mẫu gương và giáo huấn quí giá nhất của ngài để sống trọn cuộc sống của chúng ta theo mẫu gương cuộc sống của Chúa.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu, trong giờ chúng con tưởng niệm cái chết của Chúa, chúng con muốn hướng cái nhìn yêu thương của chúng con vào những đau khổ khôn tả Chúa đã chịu.

Tất cả những đau khổ ấy được tóm gọn trong tiếng kêu huyền nhiệm của Chúa trên thánh giá trước khi trút hơi thở cuối cùng: "Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?"

Tiếng kêu thần linh và nhân trần ấy đã phá toang bầu không khí trên Núi Sọ, tiếng kêu ấy ngày nay vẫn còn nêu lên câu hỏi và làm cho chúng con kinh ngạc, tỏ cho chúng con thấy có một cái gì khác lạ xảy ra. Cái gì ấy thuộc về ơn cứu độ: từ cái chết nảy sinh sự sống, từ tăm tối nảy sinh ánh sáng, từ chia cách tột cùng nảy sinh sự hiệp nhất.

Lòng khao khát được trở nên đồng hình dạng với Chúa dẫn chúng con đến chỗ nhận ra Chúa bị bỏ rơi bất kỳ ở đâu và bằng mọi cách: trong những đau khổ cá nhân và tập thể, trong những lầm than của Giáo Hội Chúa và trong những đêm đen của nhân loại, để tháp nhập vào cuộc sống của Chúa bất cứ ở đâu và bằng mọi cách, tỏa lan ánh sáng của Chúa, sinh ra sự hiệp nhất của Chúa.

Ngày nay cũng như thời ấy, nếu Chúa không bị bỏ rơi, thì cũng chẳng có sự Phục Sinh.

 

1. Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử hình

Philatô không tìm thấy những lỗi cụ thể nào để kết tội Chúa Giêsu, ông chiều theo sức ép của những kẻ tố cáo và thế là Ðức Giêsu thành Nazareth bị kết án tử hình.

Chúng con dường như nghe thấy tiếng Chúa nói: "Ðúng vậy, Thầy bị kết án tử hình, bao nhiêu người có vẻ yêu mến Thầy và hiểu Thầy, nhưng họ đã nghe những lời dối trá và đã kết án thầy. Họ không hiểu điều Thầy đã nói. Phản bội Thầy, họ xét xử và lên án Thầy". Họ kết án tử hình, đóng đanh, cái chết nhục nhã nhất".

Không thiếu những gia đình đang đau khổ vì sự phản bội của người chồng hay người vợ, người thân yêu nhất. Niềm vui được gần gũi, sống hòa hợp, nay kết thúc thế nào? Ðâu là sự cảm thấy trở thành một xương một thịt với nhau? Ðâu là lời cam kết mãi mãi chung thủy với nhau?

Lạy Chúa Giêsu, nhìn Chúa, Ðấng bị phản bội, và sống với Chúa giờ phút mà tình yêu và tình bạn trong các đôi vợ chồng chúng con bị tiêu tán, cảm thấy trong tâm hồn những vết thương do sự phản bội lòng tín nhiệm gây ra, vết thương vì sự tín nhiệm bị tan biến, sự an ninh bị chẳng còn nữa.

Lạy Chúa Giêsu, nhìn ngắm Chúa trong giờ con bị xét xử do kẻ không còn nhớ đến mối liên hệ nối kết chúng con, trong sự hiến thân trọn vẹn cho nhau. Lạy Chúa Giêsu, chỉ có Chúa mới có thể hiểu con, ban cho con can đảm, chỉ có Chúa mới có thể cho con lời sự thật, cho dù con khó hiểu được. Chỉ có Chúa mới có thể ban cho con sức mạnh giúp con đừng xét đoán, không sa ngã, vì lòng yêu thương những người đang chờ đợi con ở nhà và giờ đây con là nơi nương tựa duy nhất đối với họ.

 

2. Chặng thứ II: Chúa Giêsu vác Thánh Giá

Philatô giao nạp Chúa Giêsu trong tay các thượng tế và lính canh. Quân lính đặt trên vai Ngài một áo choàng đỏ và trên đầu một mão gai. Họ chế nhạo Ngài trong đêm. Họ ngược đãi và đánh đòn Ngài. Rồi, ban sáng, họ chất một cây gỗ nặng, loại thập giá trên đó người ta vẫn đóng đanh những tên trộm cướp để mọi người thấy số phận của những kẻ bất lương. Bao nhiêu người thân của Chúa bỏ trốn hết.

Biến cố này cách đây 2 ngàn năm vẫn còn tái diễn trong lịch sử Giáo Hội và nhân loại. Ngày nay cũng vậy. Chính thân mình Chúa Kitô, chính Giáo Hội lại bị tổn thương.

Lạy Chúa Giêsu, khi thấy Chúa bị đẫm máu như thế, bị đơn độc, bị bỏ rơi, bị cười nhạo, chúng con tự hỏi: "Những người mà Chúa yêu thương như thế, giúp ích và soi sáng, những người nam nữ ấy chẳng phải là chúng con ngày nay sao? Cả chúng con cũng trốn tránh vì sợ liên lụy, chúng con quên rằng mình là môn đệ của Chúa".

Nhưng lạy Chúa Giêsu, điều trầm trọng nhất là chính con cũng góp phần làm Chúa đau khổ. Cả chúng con, các đôi vợ chồng và gia đình chúng con. Cả chúng con cũng đã góp phần chất lên vai Chúa một gánh nặng vô nhân đạo. Mỗi lần chúng con không yêu thương nhau, mỗi khi chúng con đổ lỗi cho nhau, mỗi lần chúng con không tha thứ cho nhau, mỗi khi chúng con không tái bắt đầu yêu thương nhau.

Trái lại, chúng con tiếp tục chiều theo tính kiêu ngạo của chúng con, chúng con luôn muốn mình có lý, hạ nhục những người gần chúng con, cả người gắn bó cuộc sống của họ với cuộc sống chúng con.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con không còn nhớ rằng chính Chúa đã nói với chúng con: 'Bất kỳ những gì các con làm cho những người bé nhỏ này, tức là chúng con làm cho Thầy". Chính Chúa đã nói: đó là các con làm cho Thầy".

 

3. Chặng thứ III: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ I

Chúa Giêsu ngã. Những vết thương, gánh nặng của thập giá, đường lên dốc, ngoằn nghèo. Và sự chen lấn của dân chúng. Nhưng không phải chỉ có những thứ ấy làm cho Ngài ngã. Có lẽ gánh nặng của thảm trạng mở ra trong cuộc sống của Ngài. Người ta không còn thấy được Thiên Chúa trong Ðức Giêsu, con người tỏ ra mong manh yếu ớt, vấp và ngã xuống.

Chúa Giêsu ở đó, trên con đường, giữa tất cả dân chúng ta la hét và gào thét, sau khi ngã xuống đất, Ngài trỗi dậy và tìm cách tiếp tục đi lên dốc. Trong thâm tâm, Chúa biết rằng đau khổ này có một ý nghĩa, Chúa biết mình mang gánh nặng của bao nhiêu thiếu sót của chúng con, những phản bội và tội lỗi.

Lạy Chúa Giêsu, cái ngã của Chúa làm chúng con đau khổ vì chúng con hiểu rằng nguyên nhân chính yếu là chúng con; hay có lẽ sự yếu đuối của chúng con, không phải về thể lý mà thôi, nhưng nhất là lối sống của chúng con. Chúng con không bao giờ muốn ngã; nhưng rồi chỉ cần một chút xíu, một sự xô đẩy, một cám dỗ hoặc một tai nạn, đủ làm cho chúng con buông xuôi, và sa ngã.

Chúng con đã hứa theo Chúa Giêsu, tôn trọng và chăm sóc những người mà Chúa đã đặt cạnh chúng con. Ðúng thế, trong thực tế chúng con yêu thương họ, hay ít nhất chúng con có vẻ yêu. Nếu thiếu họ, chúng con đau khổ không ít. Nhưng rồi chúng con lại nhượng bộ trong những hoàn cảnh cụ thể mỗi ngày.

Bao nhiêu sa ngã trong các gia đình chúng con! Bao nhiêu chia lìa, bao nhiêu phản bội! Và rồi những cuộc ly dị, phá thai, bỏ rơi! Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu thế nào là tình yêu, xin dạy chúng con xin tha thứ!

 

4. Chặng thứ IV: Chúa Giêsu gặp Mẹ Ngài

Khi tiến lên đồi Calvario, Chúa Giêsu thấy Mẹ Ngài. Mẹ con nhìn nhau và hiểu nhau. Mẹ Maria biết Con mình là ai. Mẹ biết Con mình từ đâu tới. Mẹ biết đâu là sứ mạng của Người. Mẹ Maria biết mình là Mẹ của Người, nhưng cũng biết mình là con của Người. Mẹ thấy Con chịu đau khổ, cho tất cả mọi người, hôm qua, hôm nay và ngày mai. Và Mẹ cũng đau khổ.

Lạy Chúa Giêsu, chắc chắn Chúa đau khổ vì làm cho Mẹ Chúa đau khổ như thế. Nhưng Chúa phải đưa Mẹ vào cuộc phiêu lưu thần linh và kinh khủng của Chúa. Ðó là kế hoạch của Thiên Chúa để cứu độ toàn thể nhân loại.

Ðối với mọi người nam nữ trên trần thế này, và đặc biệt là các gia đình chúng con, cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Mẹ Ngài trên con đường Calvario là một biến cố rất sinh động, luôn luôn thời sự. Chúa Giêsu bị mất Mẹ để chúng ta, mỗi người chúng ta, cả các đôi vợ chồng, có được một người Mẹ luôn sẵn sàng và hiện diện. Rất tiếc là nhiều khi chúng ta quên điều ấy. Nhưng khi chúng ta nghĩ lại, chúng ta thấy rằng trong cuộc sống gia đình chúng ta có vô số lần chúng ta chạy đến cùng Mẹ. Mẹ gần gũi chúng ta dường nào trong những lúc khó khăn! Bao nhiêu lần chúng ta đã phó thác cho Mẹ con cái chúng ta, đã khẩn cầu Mẹ can thiệp cho sức khỏe thể lý của con cái và nhất là bảo vệ chúng về luân lý.

Và bao nhiêu lần Mẹ Maria đã nhậm lời chúng ta, chúng ta cảm thấy Mẹ gần gũi để an ủi chúng ta bằng tình mẫu tử của Mẹ.

Trong đàng thánh giá của mỗi gia đình, Mẹ Maria là mẫu gương về sự thinh lặng sinh ra sự sống mới, dù trong những đau khổ xé lòng nhất.

 

5. Chặng thứ V: Chúa Giêsu được ông Simon vác đỡ thánh giá

Có lẽ ông Simon tượng trưng cho tất cả chúng ta khi bất chợt một khó khăn, một thử thách ập tới chúng ta, một thánh giá đôi khi rất nặng. Tại sao? Tại sao tôi lại phải chịu thánh giá như vậy? Tại sao chính trong lúc này? Chúa gọi chúng ta bước theo Ngài, chúng ta không biết ở đâu và ra sao?

Lạy Chúa Giêsu, điều tốt nhất là bước theo Chúa, ngoan ngoãn đối với những điều Chúa yêu cầu chúng con. Bao nhiêu gia đình có thể khẳng định điều đó do kinh nghiệm trực tiếp: nổi loạn chẳng ích gì, tốt hơn nên thưa xin vâng với Chúa, vì Chúa là Chúa Trời Ðất.

Nhưng không phải vì vậy mà chúng con có thể và muốn thưa xin vâng với Chúa. Chúa yêu thương chúng con bằng một tình yêu vô tận. Hơn cả cha, mẹ, anh em, vợ chồng, con cái. Chúa yêu chúng con bằng một tình yêu nhìn xa trông rộng, một tình yêu dù gì đi nữa, kể cả tình trạng lầm than của chúng con, Chúa vẫn muốn chúng con được cứu thoát, được hạnh phúc mãi mãi với Chúa.

Cả trong gia đình, những lúc khó khăn, khi phải đi tới một quyết định cam go, nếu có an bình ở trong tâm hồn, thì ta sẽ chú ý đón nhận điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta làm, chúng ta được soi sáng bằng một ánh sáng giúp chúng ta phân định và vác thánh giá của chúng ta. Ông Simon người xứ Cireneo cũng nhắc nhở chúng ta bao nhiêu khuôn mặt của những người đã gần gũi chúng ta trong những lúc một thập giá nặng nề đè xuống trên chúng ta hoặc gia đình chúng ta. Ông ta làm cho chúng ta nghĩ đến bao nhiêu người thiện nguyện ở nhiều nơi trên thế giới đang quảng đại hiến thân an ủi và giúp đỡ những người gặp đau khổ và túng quẫn. Ông dạy chúng ta hãy khiêm tốn để cho mình được giúp đỡ nếu cần, và cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác.

 

6. Chặng thứ VI: Bà Veronica lau mặt Chúa Giêsu

Veronica, một trong những phụ nữ theo Chúa Giêsu, đã trực giác thấy Ngài là ai, bà yêu mến Ngài và vì thế, bà đau khổ khi thấy Ngài đau khổ. Giờ đây, bà nhìn thấy rõ khuôn mặt Ngài, khuôn mặt mà bao nhiêu lần đã nói với tâm hồn bà. Bà thấy Ngài tiều tụy, rướm máu và biến dạng, dù Ngài vẫn luôn hiền lành và khiêm nhường.

Bà không chịu nổi nữa. Bà muốn làm dịu bớt những đau đớn của Chúa. Bà lấy một tấm khăn và tìm cách lau những giọt máu và mồ hôi từ khuôn mặt Chúa.

Ðôi khi trong cuộc sống chúng ta cũng đó có cách lau nước mắt và mồ hôi của những người đau khổ. Có lẽ trong một khu phòng ở bệnh viên chúng ta giúp đỡ một bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời, chúng ta giúp đỡ một người di dân hoặc một người thất nghiệp, chứng ta đã lắng nghe một tù nhân. Và để tìm cách nâng đỡ họ, có lẽ chúng ta cũng đã lau mặt họ, nhìn họ với lòng cảm thương.

Thế nhưng, ít khi chúng con nhớ rằng trong mỗi người anh em chúng con đang ở trong tình cảnh đau khổ, có Chúa là Con Thiên Chúa. Giả sử chúng con nhớ đến điều ấy thì cuộc sống chúng con sẽ khác biệt thế nào! Dần dần chúng con ý thức về phẩm giá của mỗi người sống trên Trái đất. Lạy Chúa Giêsu,mỗi người, đẹp hay xấu, tài giỏi hay không, ngay từ lúc đầu tiên trong lòng mẹ, hay là ở tuổi già, đều là đại diện của. Không những thế, mỗi anh em chúng con đều là Chúa. Khi nhìn Chúa tiều tụy trên đồi Calvario, chúng con hiểu cùng với bà Veronica rằng trong mỗi con người thụ tạo, chúng con có thể nhận ra Chúa.

 

7. Chặng thứ VII: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ II

Trong khi bước đi trên con đường nhỏ hẹp dẫn lên đồi Calvario, Chúa Giêsu đã xuống đất lần thứ hai. Chúng ta đoán được sự yếu sức của Ngài, sau một đêm kinh khủng, sau những cực hành tra tấn mà họ gây ra cho Ngài. Có lẽ không phải chỉ có hình khổ, sự kiệt lực và gánh nặng của thập giá trên vai làm cho Ngài ngã. Ðè nặng trên Chúa Giêsu còn có một gánh nặng không thể đo lường được, một cái gì thâm sâu mà Ngài cảm thấy với mỗi bước đi.

Chúng con thấy Chúa như một người tội nghiệp đã lầm lẫn trong cuộc đời và giờ đây phải trả giá. Và dường như Chúa không còn sức lực thể lý và tinh thần để đương đầu với một ngày mới. Và Chúa ngã xuống.

Lạy Chúa Giêsu, làm sao chúng con nhận ra bản thân chúng con trong Chúa, cả trong lần ngã thứ hai này vì kiệt lực. Còn Chúa thì trỗi dậy, Chúa muốn tiếp tục. Vì chúng con, vì tất cả chúng con, để mang lại cho chúng con can đảm trỗi dậy. Chúng con yếu đuối, nhưng tình thương của Chúa lớn hơn những thiếu sót của chúng con, Chúa có thể đón nhận và hiểu chúng con.

Những tội lỗi chúng con mà Chúa vác lấy, đè nặng trên Chúa, nhưng lòng từ bi Chúa thật là lớn hơn những lầm than của chúng con. Ðúng vậy, lạy Chúa Giêsu, nhờ Chúa chúng con chỗi dậy. Chúng con đã sai lỗi. Chúng con đã chiều thao những cám dỗ của thế gian, vì những hào nhoáng thỏa mãn, để được nghe thấy nói rằng có người nào vẫn con mong ước chúng con, vẫn còn muốn và thậm chí yêu chúng con. Ðôi khi chúng con khó tuân giữ sự cam kết chung thủy trong hôn nhân. Chúng con không còn sự tươi mát và hăng hái như trước nữa. Tất cả chỉ là lập đi lập lại, mỗi hành vi có vẻ nặng nề, và ước muốn chạy thoát xảy đến.

Nhưng lạy Chúa Giêsu, chúng con tìm cách trỗi dậy, không chiều theo cám dỗ lớn nhất, đó là cám dỗ không còn tin rằng Tình Yêu của Chúa có thể làm được mọi sự.

 

8. Chặng thứ VIII: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Jerusalem khóc thương Ngài

Trong đám đông theo Chúa có một nhóm các phụ nữ thành Jerusalem: họ biết Ngài. Khi thấy Chúa trong tình cảnh ấy, họ trà trộn vào đám đông và đi lên, hướng về Calvario. Họ khóc thương Chúa.

Chúa Giêsu thấy họ, Ngài đón nhận tâm tình cảm thương của họ. Và cả trong lúc bi thảm ấy Chúa muốn để lại một lời đi xa hơn sự cảm thương thường tình. Ngài muốn rằng nơi họ, và cả nơi chúng ta, không phải chỉ có sự cảm thương nhưng là sự hoán cải tâm hồn, sự hoán cải nhìn nhận mình đã lầm lỗi, và xin tha thứ, bắt đầu lại một cuộc sống mới.

Lạy Chúa Giêsu, bao nhiêu lần vì mệt mỏi, hoặc vì vô tình, vì ích kỷ hoặc vì sợ hãi, chúng con đã nhắm mắt, chúng con không muốn nhìn thực tại! Nhất là chúng con không muốn can dự, không muốn dấn thân tham dự sâu xa và tích cực vào đời sống và những nhu cầu của anh chị em gần xa của chúng con. Chúng con tiếp tục sống thoải mái, nguyền rủa sự ác và những người làm sự ác, nhưng lại không thay đổi cuộc sống chúng con, và không đích thân trả giá để tình trạng được thay đổi, sự ác bị đánh bại và công lý được thực hiện.

Thường thường tình thế không được cải tiến vì chúng con không dấn thân thay đổi nó. Chúng con rút lui để không làm tổn thương cho ai, nhưng cũng chẳng làm điều thiện mà lẽ ra chúng con có thể và phải làm. Và có lẽ có người nào đó trả giá cho chúng con, vì sự ẩn nấp trốn tránh của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu, ước gì những lời ấy của Chúa thức tỉnh chúng con, mang lại cho chúng con một chút sức mạnh, thúc đẩy các chứng nhân của Tin Mừng, và thường thường cả những vị tử đạo, các cha mẹ hoặc con cái, với máu được liên kết với máu Chúa, họ đã và đang còn mở ra ngày nay những con đường dẫn đến sự thiện trên thế giới.

 

9. Chặng thứ IX: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ III

Con đường lên dốc tuy ngắn, nhưng sức lực yếu đuối của Chúa đã cạn. Chúa kiệt lực về thể lý, nhưng nhất là về tinh thần. Ngài cảm thấy sự oán ghét của các thủ lãnh, của các tư tế, của đám đông đối với Ngài, dường như họ muốn trút lên Ngài tất cả sự thịnh nộ đã bị đè nén vì những cuộc đàn áp trong quá khứ và hiện tại. Hầu như họ muốn phục thù, chứng tỏ quyền lực của họ trên Chúa Giêsu.

Và Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ngã lần thứ ba. Dường như Chúa quỵ luôn. Nhưng này đây với tất cả sự cơ cực vất vả, Chúa trỗi dậy, và tiếp tục hành trình kinh khủng tiến lên Núi Sọ.

Lạy Chúa Giêsu, chắc chăn bao nhiêu anh chị em chúng con trên thế giới cũng đang phải chịu những thử thách khủng khiếp vì họ theo Chúa. Họ đang cùng với Chúa leo lên đồi Calvario và cùng với Chúa họ cũng đang ngã xuống dưới các cuộc bách hại từ hai ngàn năm đang giáng xuống Thân Mình Chúa là Giáo Hội.

Cùng với những anh chị em ấy, trong tâm hồn chúng con muốn hiến dâng cuộc sống, sự dòn mỏng, những lầm than và đau khổ lớn nhỏ hằng ngày của chúng con. Chúng con thường trở nên vô cảm vì cuộc sống sung túc, không hết sức dấn thân để trỗi dậy và nâng nhân loại lên. Nhưng chúng con có thể trỗi dậy vì Chúa Giêsu đã tìm được sức mạnh để đứng lên và tiếp tục hành trình.

Cả gia đình chúng con cũng là thành phần của những lớp xã hội bị băng hoại, gắn bó với một cuộc sống sung túc, và coi đó là mục đích chính của cuộc sống. Các con cái chúng con lớn lên: chúng con cố gắng làm cho chúng quen sống điều độ, hy sinh, từ bỏ. Chúng con cố gắng mang lại cho chúng một đời sống xã hội mang lại mãn nguyện trong các môi trường thể thao, hội đoàn, giải trí, không để các hoạt động ấy trở thành một phương thức lấp đầy thời gian trong ngày và có tất cả những gì chúng mong ước.

Vì thế, lạy Chúa Giêsu, chúng con cần được lắng nghe Lời Chúa, những lời mà chúng con muốn làm chứng nhân: "Phúc cho những người thanh bần, người hiền lành, người xây dựng hòa bình, phúc cho những người chịu đau khổ vì bị bách hại".

 

10. Chặng thứ X: Chúa Giêsu bị lột áo

Chúa Giêsu ở trong tay bọn lính. Như mọi người bị kết án, Chúa cũng bị họ lột áo để hạ nhục, để biến Ngài thành đồ vô giá trị. Sự lãnh đạm, phỉ báng và bất chấp phẩm giá con người liên kết với lòng hám lợi, tham lam và mưu cầu tư lợi: "Họ đoạt lấy áo Chúa Giêsu".

Lạy Chúa Giêsu, chiếc áo của Chúa, không có đường chỉ khâu.

Ðiều này nói lên sự ân cần săn sóc mà Mẹ Ngài và những người theo Ngài đã dành cho Ngài.

Giờ đây, lạy Chúa Giêsu, Chúa trần trụi không còn áo mặc, Chúa cảm nhận sự khó chịu và khổ sở của kẻ bị nằm trong tay bọn người không biết tôn trọng nhân phẩm.

Biết bao nhiêu người đã và đang tiếp tục đau khổ vì sự thiếu tôn trọng phẩm giá con người, đời sống riêng tư của họ không được tôn trọng. Có lẽ nhiều khi cả chúng ta, cũng không tôn trọng cho đủ phẩm giá của những người ở cạnh chúng ta, tìm cách "chiếm hữu" họ, con cái, chồng, hoặc vợ, hay là bà con thân thuộc, người quen hay người lạ. Nhân danh điều gọi là quyền tự do của mình, chúng ta làm thương tổn quyền tự do của người khác: biết bao chểnh mảng, cẩu thả lơ là trong cách hành xử và trong cách thức giới thiệu chúng ta với nhau.!

Lạy Chúa Giêsu, Ðấng đã để mình bị phơi bày như thế trước mắt thế gian bấy giờ và trước mắt nhân loại mọi thời, Chúa nhắc nhớ cho chúng con sự cao cả của con người, phẩm giá cao trọng mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người nam nữ, phẩm giá mà đáng lý ra, không có gì và không ai được quyền vi phạm, bởi vì họ được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng con được giao phó trách nhiệm thăng tiến lòng tôn trọng phẩm giá và thân xác con người. Ðặc biệt chúng con là những đôi vợ chồng, chúng con có sứ vụ phải làm hòa hợp hai thực tại căn bản và không thể tách rời ra được: đó là phẩm giá và sự tận hiến cho nhau.

 

11. Chặng thứ XI: Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá

Ðến địa điểm gọi là Núi Sọ, bọn lính đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá. Quan Philatô truyền viết "Giêsu người Nazareth, vua người Do Thái", để nhạo cười Ngài và phỉ báng người Do thái. Thế nhưng dù muốn dù không, hàng chữ này là bảo chứng một thực tại, thực tại vương quyền của Chúa Giêsu, vua của một vương quốc không lệ thuộc biên giới, không gian hay thời gian.

Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng ra sự đau đớn của Chúa Giêsu trong khi chịu đóng đinh trên thập giá, một cực hình dữ dằn và rất đau đớn. Ðây là lúc đi vào mầu nhiệm: tại sao một vì Thiên Chúa, nhập thể làm người vì yêu thương loài người chúng ta, lại để cho mình bị đóng đinh vào cây thập giá và bị kéo lên khỏi mặt đất trong những cơn đau khủng khiếp về tinh thần cũng như về thể xác như thế?

Thưa vì tình yêu. Chỉ vì tình yêu. Ðây là luật tình yêu dẫn đến chỗ hiến dâng cả mạng sống mình để mưu cầu hạnh phúc cho người mình yêu. Bằng chứng xác quyết điều này là những bà mẹ đã chấp nhận đối diện với cái chết để cho con mình được chào đời. Hay là nhưng bậc cha mẹ đã mất một người con trong trận chiến hay trong những cuộc khủng bố và đã quyết định không trả thù.

Lạy Chúa Giêsu, trên thập giá, Chúa là hiện thân của tất cả mọi người chúng con, tất cả những con người hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Trên thập giá, Chúa đã dạy chúng con yêu thương.

Giờ đây, chúng con bắt đầu hiểu được bí quyết niềm vui toàn vẹn mà Chúa đã nói với các môn đệ trong bữa tiệc ly.

Chúa đã phải từ Trời xuống thế, trở thành một Hài Nhi, rồi làm người trưởng thành và chịu khổ hình trên Núi Sọ, để qua chính cuộc sống của Chúa, chỉ cho chúng con biết tình yêu chân thực là gì.

Khi nhìn Chúa trên cao, bị đóng đinh thập giá, chúng con, trong tư cách là gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái, đang học biết yêu thương và yêu thương lẫn nhau, nuôi dưỡng trong chúng con tâm tình tiếp nhận bằng cách trao ban chính mình và biết đón nhận với lời tạ ơn. Biết chịu đau khổ, biết biến đau khổ thành tình yêu.

 

12. Chặng thứ XII: Chúa Giêsu sinh thì trên thập giá

Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá. Những giờ phút kinh hoàng, những giờ phút khủng khiếp, những đau đớn thê thảm vô cùng tận. Chúa nói: "Ta khát". Và người ta lấy miếng bọt biển thấm đầy dấm đưa lên kề vào miệng Ngài.

Một lời than bỗng chợt vang vọng lên: Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?. Phải chăng là lời phạm thượng? Một tội nhân lại dám gào lên lời Thánh Vịnh sao? Làm sao có thể chấp nhận được một vì Thiên Chúa mà lại gào thét, kêu than, một Thiên Chúa mà lại không toàn tri, không hiểu thấu mọi sự sao? Ðấng là Con Thiên Chúa nhập thể làm người lại đang sắp chết, chết trong cảnh bị Thiên Chúa Cha bỏ rơi như thế sao?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa chịu trở thành một người như chúng con đến cảnh này sao! Một người như chúng con, ngoại trừ tội lỗi! Ðấng là Con Thiên Chúa Nhập thể làm người, Người là Ðấng Thánh, đã tự đồng nhất với chúng con đến độ sống trọn thân phận con người tội lỗi, xa rời Thiên Chúa, địa ngục của những kẻ không còn Thiên Chúa. Chúa đã sống kinh nghiệm đêm đen để đem lại cho chúng con ánh sáng. Chúa đã sống sự chia rẽ để hiến tặng chúng con sự hiệp nhất. Chúa đã chấp nhận khổ hình hầu để lại cho chúng con tình yêu. Chúa đã bằng lòng bị cô lập loại bỏ và treo lên giữa Trời và Ðất, để đón nhận chúng con vào cuộc sống của Thiên Chúa. Mầu nhiệm bao phủ trọn chúng con mỗi lần chúng con đi lại từng bước trên cuộc Khổ Nạn của Người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã không niêm phong sự đồng bản chất với Thiên Chúa Cha như một kho tàng đóng kín, nhưng Chúa đã lột bỏ tất cả, trở nên khó nghèo để cho chúng con được nên giàu có.

"Trong tay Cha con phó thác hồn con." Lạy Chúa Giêsu, làm thế nào mà trong biển đau buồn sầu não ấy, Chúa còn có thể cậy trông vào Tình Yêu của Thiên Chúa Cha, buông mình vào trong tay Cha, chết trong Thiên Chúa Cha được? Chỉ khi nào biết hướng nhìn về Chúa, chỉ với Chúa, chúng con mới có thể đối diện với những thảm kịch, những đau thương của người vô tội, những sỉ nhục, lăng mạ và cái chết.

Chúa Giêsu đã sống cái chết của Ngài như một món quà tặng cho chính tôi, cho chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho mỗi một người, mỗi một gia đình, mỗi một dân tộc, cho toàn thể nhân loại. Chính trong hành động này, sự sống đã được tái sinh.

 

13. Chặng thứ XIII: Tháo xác Chúa Giêsu xuống và trao phó Ngài cho Ðức Mẹ

Mẹ Maria đứng nhìn Con của Mẹ đang chết, Ðấng là Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ. Mẹ biết là Con vô tội, nhưng đang mang trên mình gánh nặng toàn bộ những lỗi phạm nhỏ nhen của loài người. Người Mẹ hiến tế Con mình; Người con hiến tặng Mẹ mình. Cho môn đệ Gioan, cho mọi người chúng ta. Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đây chính là một gia đình, trên Núi Sọ, đang sống

và chịu đau khổ vì chia lìa vĩnh viễn. Cái chết ngăn chia hai người, hay ít ra hình như chia rẽ Mẹ và Con, cắt làm đôi mối dây liên hệ vừa nhân bản vừa thánh thiêng không ai tưởng tượng ra nổi. Mẹ và Con tự hiến vì tình yêu. Cả hai tự phó thác cho Thánh Ý Thiên Chúa.

Trong hố sâu trống vắng mở ra nơi con tim của Mẹ Maria, một người con khác bước vào, người con tượng trưng cho toàn thể nhân loại. Và tình yêu mà Mẹ Maria dành cho mỗi người trong chúng ta chính là sự kéo dài tình yêu Mẹ đã dành cho Chúa Giêsu. Phải bởi vì trong mỗi tín hữu, Mẹ nhìn thấy khuôn mặt của người Con yêu dấu. Và Mẹ sẽ sống cho các con, để an ủi nâng đỡ các con, giúp đỡ chúng, khích lệ chúng, dẫn đưa chúng đến chỗ nhận biết tình yêu Thiên Chúa, để rồi chúng được hoàn toàn tự do tìm về với Thiên Chúa.

Người Mẹ và Người Con trên đỉnh Núi Sọ này muốn nói gì với tôi, với chúng ta, với gia đình chúng ta? Mỗi người chỉ có thể dừng lại sững sờ chiêm ngắm cảnh tượng ấy. Họ trực giác được rằng Người Mẹ ấy, Người Con ấy, đang ban tặng cho chúng ta một món quà duy nhất, không thể nào có lần thứ hai. Quả thật, trong hai vị, chúng ta tìm được khả năng rộng mở con tim và các chân trời của chúng ta cho chiều kích hoàn vũ.

Nơi ấy, trên đồi Calvario, bên cạnh Ngài, Lạy Chúa Giêsu, Ðấng đã chết cho chúng con, các gia đình chúng con đớn nhận món quà của Thiên Chúa, món quà tình yêu có khả năng mở rộng đôi tay chúng ta đến vô cùng vô tận.

 

14. Chặng thứ XIV: Táng xác Chúa Giêsu trong mộ đá

Sự im lặng sâu xa bao phủ trọn đồi Calverio. Thánh Gioan, trong sách Phúc Âm, đã chứng thực rằng Núi Sọ nằm trong một khu vườn, nơi có một ngôi mộ chưa chôn táng ai cả. Chính tại nơi đó, các môn đệ đã chôn táng xác Chúa Giêsu.

Chính Ðức Giêsu, Ðấng mà chỉ trước đó ít lâu họ đã dần dà nhận biết là Thiên Chúa nhập thể, đang là thi hài nằm đó. Trong sự cô đơn lạ lùng, các môn đệ cảm thấy lạc lõng, không biết phải làm gì, phải xử sự thế nào. Họ chỉ còn biết tự an ủi lẫn nhau. khích lệ nhau, nương tựa vào nhau. Nhưng cũng chính trong lúc ấy mà Ðức Tin của họ trưởng thành khi họ nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm khi Ngài còn sống giữa họ mà hồi đó, họ chỉ hiểu được mỘt phần.

Chính khi ấy, họ bắt đầu trở thành Giáo Hội, đang chờ đợi sự Phục Sinh và Chúa Thánh Thần hiển linh. Ở giữa họ, có cả Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, người đã được Chúa Con ủy thác cho môn đệ Gioan. Các môn đệ tụ họp nhau quanh Mẹ, với Mẹ. Họ chờ đợi. Chờ đợi Thiên Chúa hiển linh.

Chúng ta biết rằng thân xác Chúa sau ba ngày đã phục sinh. Như thế Chúa Giêsu sống mãi mãi và chính Ngài đích thân đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình dương thế của chúng ta, giữa muôn vàn vui mừng và đau khổ.

Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho chúng con biết yêu thương lẫn nhau. Ðể chúng con được có Chúa giữa chúng con mỗi ngày, như chính Chúa đã hứa "nơi nào có hai hay ba người tụ họp nhau trong danh Ta, thì nơi đó, Ta ở giữa chúng."

 

G. Trần Ðức Anh OP - Mai Anh chuyển ý

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page