VIỆC ẤY SẼ XẢY RA BẰNG CÁCH NÀO VÌ TÔI KHÔNG BIẾT ĐẾN NGƯỜI NAM?

Ý nghĩa của câu: ''Việc ấy sẽ xảy ra bằng cách nào vì tôi không biết đến đàn ông nào cả?''

I. Lời dẫn nhập:

Có người phát biểu như sau: ''Tân Ước không chứng minh rằng Trinh Nữ Maria muốn sống trọn đời đồng trinh. Hôm nay, Hội Thánh chẳng còn chấp nhận quan niệm của Giám Mục Augustinô cũng nói rằng Maria đã khấn giữ mình đồng trinh. Lập luận ấy không đúng với một số thiếu nữ Dothái sắp chết (khóc cho việc còn-đồng-trinh-của-mình), lại không phù hợp với Kinh Thánh. Trinh Nữ Maria cũng muốn lấy chồng để sinh nhiều con trai thì may ra có đứa sẽ là Đấng Messia!...''

II. Ý kiến:

Nhắm trả lời cho người quan niệm như vừa nêu, nhất là cho những ai chủ trương rằng bà Maria ''còn có con với ông Giuse'', tôi đã viết nhiều bài tôn vinh Đức Trinh Nữ, chẳng hạn: ''Bằng chứng Mẹ Maria trọn đời đồng trinh; Ý nghĩa của chữ ''anh em'' trong Kinh Thánh; Chìa khóa mở cửa vào Kinh Thánh; Thiên Chúa ''cứu rỗi'' hay ''biệt tuyển'' Trinh Nữ Maria?; Diễm Tình Ca Mân Côi; Thờ Thiên Chúa khác với ''thờ'' Đức Bà; Hồn Xác Mẹ Thiên Chúa về Trời; Mẹ là Thiên Ân; Mười thương kính dâng Thánh Mẫu; v.v...'' (1)

Hôm nay, thà ''làm mất lòng người đã nêu'' còn hơn ''làm buồn lòng'' Thánh Mẫu Maria, nhất là Chúa Cứu Thế, tôi xin mạo muội ''chứng minh thêm'' như sau:

A. Tân Ước có nêu bằng chứng rõ ràng rằng Trinh Nữ Maria ''âm thầm khấn giữ mình đồng Trinh''! Đó là câu ''tối quan trọng'' ở Tin Mừng theo Luca 1,34: ''Ðiều ấy sẽ xảy ra bằng cách nào tôi không biết đến đàn ông nào cả?'' (How will that happen since I know no man?)

1. Phân tích văn phạm (ngữ pháp), nguyên nhân và ý nghĩa của câu đã nêu:

a. Mệnh đề chính: ''Ðiều ấy sẽ xảy ra bằng cách nào'' (How will that happen)

Sau khi được nghe Thiên Sứ kính chào, tôn vinh, gọi mình bằng Danh Xưng Mới là ''Hồng Ân'' (Ơn Đầy: Gratia Plena) thay vì Maria, được trấn an và được truyền tin rằng mình SẼ thụ Thai, sinh Con Trai là Giêsu cao cả, là Con của Đấng Tối Cao, SẼ là Vua trị vì trên ngai Đavit, trên nhà Giacop đến muôn đời, tức là triều đại Con của Thiên Chúa SẼ vô cùng, vô tận, Trinh Nữ không chút hồ nghi về Lời Chúa truyền qua Thiên Sứ bởi vì, là công dân Dothái, như Tổ Phụ đã mỏi mòn trông chờ Đấng Messia, Trinh Nữ biết rằng ''Nàng-cùng-với-Giêsu'' là Miêu Duệ mà Thiên Chúa đã hứa trong Vườn Địa Đàng, rằng Nàng là ''đối tượng'' mà Tiên Tri Isaya 7,14 đã báo trong Cựu Ứớc: ''Này, trinh nữ SẼ thụ thai và sinh con trai và thiên hạ SẼ gọi Ngài là Emmamuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.''

Ở tuổi ''hoa niên'', chừng 15 hay 16 trăng tròn, Nàng Maria biết rõ điều kiện để thiếu nữ có con. Ấy là nhận việc ''gieo giống'' từ phía người nam. Tuy nhiên, vì đã ''quyết tâm, tự chủ'': KHÔNG BIẾT ĐẾN ĐÀN ÔNG NÀO HẾT TRỌI, Nàng mới hỏi Thiên Sứ về CÁCH NÀO (THE HOW, LE COMMENT, DAS WIE) khác với ''cách của loài người'' để được như Thánh Ý Chúa truyền.

Tóm lại, nguyên nhân đặt câu hỏi ''Ðiều ấy sẽ xảy ra bằng cách nào'' là do Trinh Nữ ước mong được Thiên Sứ ''lý giải'' chi li thì mới dám ''XIN VÂNG''!

b. Mệnh đề phụ: ''vì tôi không biết đến đàn ông nào cả''

Mệnh đề bắt đầu bằng liên từ VÌ chỉ nguyên nhân. Đằng sau mệnh đề ấy, có dấu hỏi vốn thuộc về mệnh đề chính. Xin viết lại cách khác: ''Ðiều ấy sẽ xảy ra bằng cách nào? Vì tôi không biết đến đàn ông nào cả.'' (How will that happen? For I know no man.) Như vậy, hai câu vừa nêu là hai mệnh đề độc lập về hình thức, nhưng vẫn được kết hợp với nhau về ý bằng liên từ VÌ: FOR!

Thật ra, theo văn mạch (context) trong Luca 1, 28-34, chữ VÌ của Trinh Nữ có nghĩa như thế này: ''Vì tôi đã khấn nguyện, tự chủ: KHÔNG biết đến đàn ông nào cả, vậy xin Thiên Sứ mạc khải cho tôi Thánh Ý Chúa là CÁCH NÀO để được như thế!'' Và, nhắm giúp Trinh Nữ vâng theo Thánh Chỉ của Chúa, Thiên Sứ mới nêu lên ''Kế Hoạch Tân Sáng Thế'' của Thiên Chúa Ba Ngôi: ''Thánh Thần SẼ đến trên nàng, và quyền năng của Đấng Tối Cao SẼ phủ nàng bằng bóng của Ngài. Chính vì thế, Thánh Trẻ SẼ sinh ra được gọi là Con của Thiên Chúa. Kìa, Êlidabét, họ hàng với nàng, tuổi đã già, dù chịu tiếng là không thể có con, cũng cưu mang con trai đã sáu tháng. Bởi vì không có điều gì mà Thiên Chúa chẳng làm được.''

Nghe như thế là ''yên lòng'', vì tin rằng Thiên Chúa ''LÀM ĐƯỢC'' cả hai Ý mà mình nêu ra: ''CÁCH NÀO và VIỆC ĐỒNG TRINH'', Trinh Nữ bèn chấp nhận: ''Tôi là nữ tỳ của Chúa. Xin thành sự nơi tôi như lời Sứ Thần đã nói.''

Vậy là Thánh Luca vui lây với Mẹ nên kết luận biến cố Truyền Tin bằng câu ngắn gọn, tuyệt vời: ''Và Sứ Thần từ biệt nàng.''

c. Phân tích từ ngữ:

- Chữ SẼ trước động từ ''xảy ra'' dùng để chỉ tương lai mà Thiên Sứ đã báo. Nhưng, trong ''đời thường'', bất cứ thiếu nữ nào đã đính hôn, mà lại hỏi làm sao mình SẼ có con thì đó là chuyện nực cười. Còn câu hỏi của Trinh Nữ và nhất là lý do nàng nêu lên: ''KHÔNG biết đàn ông nào cả'' cho phép chúng ta hiểu rằng đã có sự ''thỏa thuận âm thầm'' thế nào đó giữa Nàng Maria và Chàng Giuse bởi vì cả hai Vị đều quán triệt ý nghĩa của Thánh Vịnh 132,11 như sau: ''Thiên Chúa đã thề với Đavit sự thật mà Ngài không hề chối: Ta SẼ đặt trái lòng dạ của con trên ngai.'' Như vậy, ''lòng dạ của Đavit'' chính là Maria cũng là Miêu Duệ của nhà vua ấy!

Theo truyền thống Dothái, ''được sinh Đấng Messia như Lời Thiên Chúa hứa'' là điều ước mong và sự chờ đợi của mọi tổ ấm uyên ương. Tuy nhiên, theo Jean-Christiane Petitfils, nhất là theo Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II (2), trong một số tài liệu cổ được phát hiện vào năm 1947, vẫn có những trường hợp ''khấn tự chủ, kiềm chế, trinh khiết'' (voeu de continence, de chasteté) vì động lực tôn giáo (mobile religieux), hay vì lý do dâng mình (motif d'oblation) cho Chúa. Xin hiểu rằng lời khấn của Nàng Maria phải có sự ưng thuận của Chàng Giuse thì nó mới có giá trị hài hòa giữa đôi bên. Bằng không, việc đính hôn sẽ trở thành ''điều nan giải'' cho cả hai Vị. Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng ''giữ mình đồng trinh'' vẫn được thay thì huống chi là Mẹ của Chúa Giêsu!!!

- Chữ ''KHÔNG BIẾT'' là từ ''mấu chốt, chìa khóa'' ở THÌ HIỆN TẠI, theo CÁCH KHẲNG ĐỊNH (Present Tense, Indicative Mood). Thì ấy có giá trị thực sự trong mọi thời (vrai en tout temps), tức cho ''hôm qua, hôm nay, ngày mai, tương lai và mãi mãi'' trong đời Mẹ Maria. Vào ngày 24.7.1996, chính trong bài giảng ''Ý nguyện giữ mình đồng trinh'' (La volonté de rester vierge), Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II xác tín như sau: ''Mẹ muốn giữ mình đồng trinh. Ngài khẳng định rằng Ngài không biết đến đàn ông, tức là Ngài đồng trinh. Nhưng văn mạch có câu hỏi: ''Điều ấy sẽ xảy ra bằng cách nào?'' và lời khẳng định theo sau: ''Tôi không biết đến đàn ông'' cũng làm sáng tỏ sự đang-đồng-trinh của Mẹ Maria và chủ tâm của Ngài là mãi mãi đồng trinh. Ngài diễn nghĩa ấy bằng động từ ở thì hiện tại là để lộ tính thường tồn (la permanence) và tính liên tục (la continuité) trong qui chế (statut) của riêng Ngài.''

- Đối tượng (object) của việc ''không biết'' là ''đàn ông''!!! Trinh Nữ khẳng định tỏ tường với Thiên Sứ: ''Tôi không biết đến đàn ông nào cả!!!'' (''Je ne connais point d'homme. I know no man.), tức là kể cả ''chàng'' Giuse!

III. Trinh Nữ là Ai?

Ngoài Thánh Danh Mẹ của ''Giêsu: Thiên-Chúa-Cứu-Thế'' như lời chào mừng của Bà Êlidabet, Trinh Nữ còn là:

A. ''Đấng đại diện Dân Chúa'', mà Tiên Tri Giêrêmia gọi là ''trinh nữ Dothái'' (vierge d’Israël) theo nghĩa là trinh nữ này thuộc về Thiên Chúa nên không thờ, không rước thần khác vào ''lòng dạ, tâm trí mình''!

B. ''Đấng đại diện Giáo Hội hôm nay'' là Cộng Đoàn Kitô hữu, là HÔN-THÊ-TRINH-NỮ (Épouse Vierge) NÊN MỘT với Chúa Kitô như Thánh Phaolô đã dạy trong 2 Corintô 11,2 thế này: ''Tôi đã đính hôn anh-chị-em với một Hôn Phu duy nhất là Chúa Kitô để dâng anh-chị-em cho Ngài như trinh nữ thanh khiết.''

C. ''Vị Hôn Thê Siêu Nhiên của Chúa Thánh Linh'' như lời Thiên Sứ nói: ''Thánh Thần sẽ đến trên nàng!''

D. ''Đền Thánh Mới'' của Thiên Chúa

Dựa vào Cựu Ước, Thánh Augustinô xác tín rằng Trinh Nữ Maria là Đền Thánh của Thiên Chúa như sau: ''Ngài dẫn tôi trở lại cổng bên ngoài thánh điện quay về phía đông. Bấy giờ, cổng đóng kín. Đấng Hằng Hữu phán với tôi: Cổng này sẽ đóng lại, không được mở và không ai được vào qua cổng này Chúa, Thiên Chúa Israel, ĐÃ VÀO qua cổng ấy. Bởi thế, cổng này đóng lại.'' (Ezekiel 44,1-2) Thánh nhân còn trích Khải Huyền 3,7 để chứng minh Mẹ Thiên Chúa cũng là Đền Thánh: ''Ðây là lời của Ðấng Thánh, Ðấng Chân Thật, Ðấng giữ chìa khóa của Ðavít, Ngài mở ra thì không ai đóng lại được, Ngài đóng lại thì KHÔNG AI mở ra được.'' Quả thật, Kinh Cầu cũng dạy: ''Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy.'' Cho nên, là người công chính, Dưỡng Phụ Giuse phải tôn kính ''Đền Thánh Giêruralem Mới'' là Tâm Hồn và Thân Xác của Mẹ Maria. (3)

IV. Lời kết

Tôi cũng được Thiên Chúa ''tiền định'', huống chi Mẹ là Hồng Ân hơn mọi người nữ! Cho nên Mẹ là Gương Mẫu của Đức: Tin-Cậy-Mến, Trung Tín, Khiêm Nhường, Hy Sinh, Phó Thác và Vâng Lời... khiến Ngài xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa Ngôi Hai. Câu: ''Tôi không biết đến đàn ông nào cả'' là lời thật lòng của Mẹ. Làm sao Mẹ ''dám nói dối'' với Thiên Chúa là Đấng Toàn Tri!? Đã là Thánh Điện cho Thiên Chúa ngự vào thì Mẹ không thể nào biến Thánh Điện ấy thành nơi cư ngụ của ông A, ông B, ông C, cô D, cô E nào cả! Mẹ là Cộng Tác Viên trong Tình-Yêu-Cứu-Thế. ''Tình Yêu Ấy'' nói mấy cho vừa: De Amore numquam satis!

Đức Quốc, 18.11.2012

TÁC GIẢ: PHAN VĂN PHƯỚC

1. Quý vị nào muốn xem những bài đã nêu, xin vui lòng ghi tựa đề, tìm ở trong máy.

2. Ngài được gọi là Giáo Hoàng của Mẹ Maria.

3. Xin đọc thêm một số tài liệu về Mẹ Maria, chẳng hạn: Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo từ số 484-511. Bài khác sẽ nói về lý do Mẹ đính hôn với Thánh Giuse...