THÔNG ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTO XVI

CÁC GIÁO DÂN LÀ NHỮNG “NGƯỜI ĐỒNG HÀNH TRÁCH NHIỆM“ TRONG GIÁO HỘI

Đức Thánh Cha Benedict XVI mời gọi phải có một "sự thay đổi não trạng" về vai trò của các giáo dân

ROME, thứ năm 23 tháng 8, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định: Các giáo dân là những "người đồng trách nhiệm" trong sự hiện diện và hành xử của Giáo Hội (l'être et de l'agir de l’Eglise). Ngài tuyên bố về vai trò của họ, và khuyến khích họ dấn thân nhận lãnh nhiệm vụ "tông đồ của Giáo Hội" và "hiệp thông" với các chủ chăn.

Thực vậy, Đức Thánh Cha đã gửi một điệp văn cho Đức Ông, phụ tá giám đốc của Diễn Đàn Quốc Tế về Công Giáo Tiến Hành (assistant général du Forum international d’Action catholique: FIAC), trong khuôn khổ của Phiên Họp thường lệ lần thứ VI của Diễn Đàn này, đã khai mạc ngày 22 tháng 8 vừa qua tại Iaşi, Rômania, với chủ đề "Đồng Trách Nhiệm về Giáo Hội và Xã Hội" (coresponsabilité ecclésiale et sociale).

Đức Thánh Cha kêu gọi phải có một "sự thay đổi não trạng", đặc biệt về vai trò của giáo dân trong Giáo Hội, họ phải được coi không như "những cộng tác viên" của các giáo sĩ mà như những người thực sự "đồng trách nhiệm" về sự hiện diện và hành xử của Giáo Hội.

Đồng Trách Nhiệm trong Giáo Hội

Đức Thánh Cha Benedict XVI khuyên nhủ các giáo dân "dấn thân cho việc thi hành sứ mệnh của Giáo Hội", nhất là "trong việc kinh nguyện, học hỏi, và tham dự tích cực vào đời sống giáo hội," và phải làm những điều này với "một nhãn quan chú tâm và tích cực vào thế giới, trong việc liên tục tìm kiếm các dấu chỉ của thời đại."

Ngài khuyến khích họ "theo đuổi một cách quảng đại" việc phục vụ cho Giáo Hội, bằng cách "sống toàn vẹn đặc sủng của họ" (vivant pleinement leur charisme), để "nhận lãnh" nền tảng "sứ vụ tông đồ của Giáo Hội trên toàn cầu, trong sự cân bằng phồn thịnh giữa Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội điạ phương."

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi họ "nhận lãnh và chia sẻ các công tác mục vụ của các Giáo phận và Giáo xứ", và "giúp đỡ cho việc tổ chức các cuộc gặp gỡ và cộng tác chân thành với các thành phần khác của cộng đồng giáo hội", và tạo dựng các mối tương quan chân tình và hiệp thông với các Linh mục, cho một cộng đồng sống động, mục vụ và truyền giáo."
Trong trường hợp này, các giáo dân được mời gọi để thực thi "trong tinh thần hiệp thông mật thiết với vị kế nhiệm Thánh Phêrô" và "đồng trách nhiệm một cách hăng hái với các cha xứ của họ."

Hiệp thông với các chủ chăn

Đức Thánh Cha nhận xét: Vì muốn cho có thể có được việc đồng trách nhiệm, cần phải có những giáo dân trưởng thành và dấn thân, có thể đóng góp đặc biệt cho sứ vụ của Giáo hội,"đồng thời tôn trọng được "các mục vụ và nhiệm vụ của mỗi người trong đời sống Giáo Hội" và "luôn luôn hiệp thông mật thiết với các Giám mục."

Ngài nói: Thực vậy, nếu các giáo dân phải "tiến bước trên con đường thánh thiện", thì họ không độc hành, mà "đồng hành với các linh mục và những người có trách nhiệm giáo huấn họ trong sự đồng trách nhiệm về Giáo hội và Xã hội."

Về điểm cuối cùng này, Ngài dẫn chứng Tông Hiến Ánh Sáng Muôn Dân "Lumen Gentium", để nhắc rằng mối tương quan giữa các giáo dân và các chủ chăm phải có tính cách "gia đình": "cần phải đào sâu và sống tinh thần hiệp thông sâu đậm này trong Giáo Hội, là đặc tính của cộng đồng tín hữu tiên khởi."

Đồng trách nhiệm đối với Xã hội

Chắc chắn là các giáo dân được mời gọi để "trau dồi các mối tương quan cá nhân chân thành với tất cả", bắt đầu là "trong gia đình", và "sẵn sàng tham gia vào mọi tầng lớp của đời sống xã hội, văn hóa và chính trị" luôn luôn nhắm mục đích là "ích lợi chung."

Đối với Đức Thánh Cha Benedict XVI, đời sống của họ phải "trong sáng", "được hướng dẫn bởi Phúc Âm" và "được soi sáng bởi sự gặp gỡ Chúa Kitô, yêu mến và bước theo Người không sợ hãi."

Về ý nghĩa này, Ngài khuyến khích họ "không chán nản trong việc luôn luôn trau dồi bằng một sự đào tạo đứng đắn và hàng ngày, các sắc thái của ơn gọi đặc biệt làm giáo dân, được mời gọi để làm những chứng nhân can đảm và đáng tin cậy trong mọi lãnh vực xã hội."

Ngài tuyên bố: Qua họ, Phúc Âm là "ánh sáng mang lại niềm hy vọng trong các hoàn cảnh khó khăn, các trở ngại, các giai đoạn tối tăm" của thế giới hiện đại.

Chính vì vậy mà Ngài khuyên họ, ngay trong trọng tâm của thế giới phải là "một thí điểm cho việc toàn cầu hóa, cho việc liên đới và bác ái", và có "can đảm để phác hoạ những đề nghị có tính cách đòi hỏi", để "lớn mạnh cùng với toàn thể Giáo Hội, trong sự đồng trách nhiệm, và để cung cấp một tương lai có hy vọng cho nhân loại."


Bùi Hữu Thư

Nhân Năm Đức Tin Nghĩ Về Đặc Tính Bí Tích Nơi Người Kitô Hữu

seven_sacramentsTrong kinh nghiệm cuộc sống dân gian, người ta thường nói: "rỏ nhà ai, quai nhà nấy" để chỉ về người đó thuộc gia đình, tầng lớp, và địa vị nào trong xã hội,...với người Công Giáo, chúng ta mang trong mình hình ảnh Đức Kitô ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, để từ đó, chúng ta trở nên người Kitô Hữu, là người thuộc về Đức Kitô, và được mời gọi trở nên giống Ngài. Vậy tại sao lại có sự biến đổi đó? Kinh nghiệm của ta về sự thay đổi đó như thế nào? Xin được dựa trên nền tảng thần học của thánh Tôma Aquinô để làm sáng tỏ đặc tính Bí Tích nơi người Kitô Hữu.

1. Đặc tính Bí Tích

Nếu nói: "Bí Tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập, và được trao lại cho Giáo Hội để ban sự sống thần linh cho chúng ta" thì đặc tính Bí Tích là một cái gì đó sâu xa bên trong linh hồn không thể xóa nhòa. Đặc tính ấy là thường hằng, là cái sẽ tồn tại muôn đời, sẽ không thể bị đánh mất. Nếu các Bí Tích là "cửa vào thánh thiêng", thì đặc tính Bí Tích chính là một sự thay đổi sâu xa và lưu lại mãi mãi trong linh hồn người ta khi đã vào cửa thánh thiêng đó. Như vậy, việc lãnh nhận các Bí Tích nhờ sự biến đổi của Đức Kitô, người Kitô hữu được sinh vào trong chiều kích mới, chiều kích của sự hiện hữu, nghĩa là chiều kích của Thiên Chúa, một sự hiện hữu mà Chúa Kitô đã sống suốt cuộc đời trần thế của Ngài.

2. Kitô Hữu là người đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ đặc tính Bí Tích

Như đã nói, đặc tính Bí Tích chính là một sự thay đổi sâu xa từ bên trong, làm cho con người đó chung phần sự sống thần linh với Thiên Chúa thông qua Đức Giêsu. Đặc tính Bí Tích còn làm cho ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ được dìm vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện trong một hình ảnh mới, hình ảnh của chính Đức Kitô, Đấng đã yêu mến và vâng phục Cha. Vậy hình ảnh mới là gì?

Trước khi nói đến một hình ảnh mới trong Đức Kitô, chúng ta nói đến một hình ảnh cũ, hình ảnh của một con người thuần túy.

Con người của chúng ta mang nặng những ám ảnh bởi tội lỗi do nguyên tổ gây nên (x. St 3,8-15). Mặt khác những hệ lụy của tội (x. St, 3, 16-24) nó đã làm cho con người ưa chiều theo sự tội ( St 4, 1-16) và làm nô lệ cho nó, đó là thời Cựu Ước.

Sang thời Tân Ước, khi Đức Kitô đã nhập thể và trở nên Đấng Emmanuel (x. Lc 2,1-17) thì con người chúng ta được giao hòa lại với Thiên Chúa và được Người canh tân, đổi mới, để trở nên giống Người thông qua các Bí Tích. Khi chúng ta được dìm vào nước thánh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới...Từ nay trong ta có Thiên Chúa và trong Thiên Chúa có ta, ta và Thiên Chúa cùng chung nhau một dòng máu thông qua Đức Giêsu (x. Ga 15, 1-8; 17, 20 tt), bởi lẽ con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, được cùng chết và mai táng với Ngài, thì chúng ta cũng được cùng sống lại với Ngài như Ngài đã sống (x. Rm 6, 3 – 11 ).

Như vậy, hình ảnh mới là hình ảnh tái sinh để trở nên giống Đức Kitô, chiều kích mới là qua Đức Giêsu, nơi các Bí Tích, chúng ta được sống trong Thiên Chúa. Khi đã trở nên giống Người, chúng ta noi gương để sống trọn vẹn trong Thiên Chúa như Ngài đã sống. Vậy sống như Ngài chính là quy chiếu tất cả mọi thành công (x. Mt 11,25-27), thất bại (x. Ga 12,28) về Thiên Chúa, không dừng lại ở chính mình.

Như vậy, tuyên bố của Thánh Tôma khi nói "Đặc tính Bí Tích giống như dìm mình vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh Đức Kitô", thực sự là một quan điểm mới về Bí Tích. Ngài đã sử dụng triết học của Aristote để làm nổi bật lên được sức mạnh của đặc tính Bí Tích. Đặc tính ấy chính là một ấn tín thiêng liêng bên trong linh hồn không thể xóa nhòa, đó là một sức mạnh trường cửu. Đặc tính ấy ta không thể thấy được, nhưng ta vẫn có thể biết được nhờ việc lãnh nhận các bí tích. Khi tuyên bố như thế, thánh Tôma đã khai mở cho các nhà nghiên cứu phê bình một lối nhìn mới về Bí Tích và những đặc tính của nó, đồng thời cũng giúp cho mỗi người chúng ta ý thức về sự biến đổi siêu nhiên từ bên trong của các Bí Tích . Theo Tôma, hình ảnh mới là hình ảnh của Đức Kitô, Ngài luôn làm theo ý Đấng đã sai mình, mọi vinh quang danh dự đều thuộc về Cha thì đến lượt chúng ta, khi lãnh nhận các Bí Tích, chúng ta được trao phó nhiệm vụ liêng liêng để phụng tự Thiên Chúa, đồng thời cũng phải trao truyền cho kẻ khác những điều liên quan đến việc thờ phượng Thiên Chúa, và đây là điều đặc biệt của ấn tích nơi các Bí Tích mà Thánh Tôma đã đề cập tới.

3. Những áp dụng cụ thể để giữ lại hình ảnh Đức Kitô trong mình

Trong hành trình đời tu, hay đời thường, người ta sợ nhất hai điều. Một là sự cô đơn và hai là sự nhàm chán trong công việc. Nhưng nếu không cô đơn thì sự nhàm chán kia cũng khó có thể vùng vẫy trong tâm hồn được. Chiều dài thời gian nó làm cho con người ta cảm thấy chán trường và mệt mỏi, đồng thời nó cũng làm cho ta cảm thấy mọi chuyện trở thành bình thường, nhất là việc đạo đức, và nó sẽ làm cho nhiều người mất niềm hy vọng, không còn tin vào những chuyện thánh thiêng mình cử hành nữa. Sống trong tình trạng tâm hồn trống rỗng, không có kinh nghiệm về Thiên Chúa trong cuộc đời và qua các cử hành phụng vụ, ta sẽ cảm thấy mình cô đơn, hoang mang về niềm tin cũng như hy vọng của mình nơi Chúa và các công việc bổn phận mình làm.

Ước gì những công việc đạo đức hằng ngày như: tham dự Thánh lễ, cử hành các giờ kinh Phụng Vụ, Bí Tích và các việc đạo đức...ta hãy làm mới lại trong cung cách cử hành, nhờ lòng mến thúc đẩy, có thế, ta sẽ không bị rơi vào sự trống vắng ngay trong những mầu nhiệm mà ta cử hành hằng ngày.

Mong thay, trong Năm Đức Tin này, mỗi người hãy làm mới lại hình ảnh của Đức Kitô, một Đức Kitô luôn làm theo ý Cha, bởi vì: "lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy", đồng thời luôn giữ lại hình ảnh của Đức Kitô cách sống động trong cuộc đời của ta qua các cử hành Phụng Vụ cũng như trong đời sống thường ngày như một lời chứng về sự hiện diện của Chúa. Sống được như vậy, ta có thể nói: Cuộc đời Kitô Hữu của mình như là một Bí Tích giữa Thiên Chúa và con người và Đặc tính Bí Tích giống như dìm mình vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh Đức Kitô Phục Sinh.

Jos.Vinc. Ngọc Biển



Chúa Nhật 34 Thường Niên

Chúa Nhật 34 Thường Niên B
LỄ CHÚA KITÔ VUA


Ga 18, 33b-37

Đọc Tin Mừng chúng ta nhận thấy có một số tước hiệu Chúa Giêsu tự nhận cho mình như mục tử, tôi tớ, thầy, Chúa, Con người. Những tước hiệu này như nối kết với chính bản thân của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, danh xưng” Vua “, Chúa Giêsu nhận trước vài giờ Ngài lãnh án tử hình và chịu đóng đinh trên thập giá, mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Từ Vua xuất hiện sau khi Philatô một người có uy quyền gạn hỏi Chúa và đã được Ngài xác nhận quả gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ quan trọng.

Ngài tự ý nói điều ấy, hay có ai khác đã nói với Ngài về Tôi ?( Ga 18, 34 ). Philatô, vị quan tổng trấn đứng trước mặt Chúa Giêsu trong phiên tòa, đã gạn hỏi cung Chúa Giêsu “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?”( Ga 18, 33 ). Chúa Giêsu hiểu rất rõ rằng dân Do Thái đã cáo gian Ngài tự xưng là Vua. Và ngộ giả, nếu không có lời vu khống của dân Do Thái, chắc chắn Philatô đã không có cớ gì để bắt Chúa Giêsu và xét xử Ngài về tội xưng Vua. Trong lúc này, nghĩa là trong lúc xét xử, Philatô lưu ý, quan tâm vì khía cạnh chính trị của lời tố cáo của dân Do Thái. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã rất thản nhiên nói với Philatô:” Nước Tôi không thuộc thế gian này”( Ga 18, 36 ). Lời khẳng định của Chúa Giêsu chỉ ra rằng:”quan tổng trấn” không có gì phải sợ sệt cả.Chúa Giêsu đã hai lần nhắc lại:” Nước Tôi không thuộc thế gian này “. Dưới con mắt và trong suy nghĩ của dân Do Thái và Philatô, đại diện đế quốc Roma, danh từ Vua có nghĩa chính trị bao gồm bộ máy nhà nước, với nội các, với quân đội để bảo vệ chủ quyền và an ninh của vương quốc ấy. Đối với Chúa Giêsu vương quốc của Ngài thuộc thế giới linh

thiêng vì như Chúa đã xác định:” Nếu nước Tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ củaTôi đã chiến đấu không để Tôi bị nộp cho người Do Thái “( Ga 18, 36 ). Những người Do Thái và ngay chính Philatô đã quá rõ biết điều ấy ! Nếu họ sợ Chúa Giêsu, họ đã lầm lớn về lối suy nghĩ của họ vì chính Chúa Giêsu đã khước từ ngôi Vua theo quan niệm con người, khi mà dân chúng và nhiều người chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu làm cho năm chiếc bánh và hai con cá hóa ra nhiều để nuôi nhiều ngàn người ăn ( Ga 6, 1-15 ), dân chúng đã hồ hỡi, phấn khởi muốn tôn Ngài lên làm Vua, nhưng Ngài đã từ chối ( Ga 6, 15 ). Philatô quả đã biết rất rõ, Chúa Giêsu không tự xưng Vương, không muốn được tôn phong Vua theo quan niệm thế gian mà những người tố cáo Ngài vì họ ghen ghét Ngài( Mt 27, 28 ). Sở dĩ người Do Thái bắt nộp Chúa Giêsu, vu khống Ngài vì họ xấu xa, lòng dạ đen tối, tội lỗi và Philatô không dám bênh vực Chúa vì Ông quá hèn nhát và đê tiện. Vương quyền của Chúa Giêsu không thuộc về thế gian ( Ga 19, 36 ). Theo ngôn ngữ của thánh sử Gioan thì nước Thiên Chúa không thuộc địa giới mà là thiên giới, không thuộc xác thịt mà thuộc thần khí. Chính vì thế, Chúa Giêsu không có gì để đối kháng với đế quốc Roma, hay sợ lấn quyền hành của Philatô hay của các vị lãnh đạo thế trần lúc đó.

Chúa Giêsu xác định chức vụ Vua với Philatô khi Philatô cứ gạn hỏi:” Vậy Ông là vua sao ? “( Ga 19, 37 ). Đức Giêsu đáp:” Chính Ngài nói rằng Tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi”( Ga 19, 37 ). Philatô ngỡ ngàng hỏi lại Chúa Giêsu:” Sự thật là gì?” ( Ga 19, 38 ). Chúa Giêsu là sự thật và là sự sống. Theo quan niệm của Ngài, vua có nghĩa là làm chứng nhân cho chân lý. Vương quốc của Chúa Giêsu đã được Ngài thiết lập ngay trong cuộc khổ hình, chịu chết của Ngài trên thập giá:”...Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” ( Ga 12, 32 ). Ngay trên thập giá, Chúa Giêsu mới chứng tỏ thật sự Ngài là Vua. Chúa Giêsu là vua khiêm nhượng, hiền từ, Vua phục vụ cưỡi trên mình lừa...Một vị vua hy sinh tự hiến, khước từ mọi thứ vinh quang trần thế( Philip 2, 1tt..).

Philatô quả đã biết Chúa Giêsu hoàn toàn vô tội( Ga 18, 38 ) và muốn tìm các tha Chúa ( Ga 19, 12 ), nhưng vì hèn nhát và sợ áp lực của người Do Thái ( Ga 19, 39 ), Philatô đã truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Người ( Ga 19, 1 ). Philatô cũng đã cho viết dòng chữ để đóng trên thập tự giá:” Giêsu Nagiarét vua dân Do Thái” (Ga 19, 19)

Đức Giáo Hoàng Piô XI trong thông điệp Quas Primas công bố ngày 11 tháng 12 năm 1952 đã thiết lập lễ Chúa Kitô Vua hằng năm.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người có lòng tin luôn ý thức rằng nước Chúa không thuộc thế gian này, nhưng dân Chúa lại ở trong thế gian. Xin cho chúng con biết trở thành chứng nhân sống động cho nước Chúa giữa muôn người.

GỢI Ý CHIA SẺ :

1. Bạn hiểu sao về từ Vua ?

2. Bạn cảm nghiệm thế nào về vương quyền của Chúa ?

3. Tại sao Philatô lại giữ nguyên câu đã viết:” Giêsu Nagiarét Vua dân Do Thái ? “.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

NGUỒN GỐC NGÀY LỄ HALLOWEEN

I. Lời dẫn nhập:

Trên trang mạng, đã có rất nhiều bài viết khá dài về Ngày Lễ HALLOWEEN. Do đó, trong bài này, tôi không kể về cách dùng trái cây, lồng đèn bằng bí đỏ..., mà xin mạo muội viết ngắn gọn về nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày Lễ vừa nêu. Đồng thời, tôi cũng xin cắt nghĩa tại sao người Pháp lại dùng chữ ''Toussaint'' với mạo từ ''La'' là giống cái và cách phát âm của hai chữ Anh và Pháp.

II. Nguồn gốc của Ngày Lễ HALLOWEEN

Đó là Ngày Lễ của người Celtes (La Fête Celtique) có cách đây chừng 2500 năm (1). Cứ vào cuối thu, các thầy tế (druides) cử hành nghi thức mừng mùa ''thu'' hoạch đã xong và việc đưa gia súc về chuồng trước mùa đông bằng Đại Lễ SAMHAIN, tức là Lễ Thánh của dân Gaëls (gốc Ái-nhĩ-lan và Tô-cách-lan (Irlande et Écosse). Tín ngưỡng của dân này cho rằng người quá cố trở về dương thế vào Ngày Ấy, đến từng nhà để sưởi ấm bên cạnh người đang sống trước khi vào trời đông.

Với thời gian, vì nhát gan, sợ người chết hay ''hồn ma'', hậu sinh quây quần bên lò sưởi do các thầy tế đốt lên. Họ cải trang bằng y phục kỳ quái để ma quỷ phải ớn họ vì chúng ngỡ họ là loài quỷ khác dữ tợn hơn. Theo họ, nhờ vậy, họ không bị quỷ Âm Vương ám hại. Họ cũng nghĩ rằng ma chui ra khỏi mồ vào đêm Lễ Thánh, rằng các bà phù thủy cỡi chổi hay mèo đen trên không trung.

Khi Đế Quốc La-mã thống trị người Celtes thì truyền thống tín ngưỡng của xứ này vẫn được bảo tồn. Rồi, với thời gian, cả hai dân tộc đều xem truyền thống ấy là ''của chung''. Người La-mã gọi 01.11 là Ngày của các Thánh (All Hallows).

Sau này, khi Kitô Giáo đã lan rộng, Giáo Hội Công Giáo ''hoán cải'' ngày Lễ của người Celtes thành Lễ của Kitô Giáo bởi vì, đã gọi là Ngày Lễ của Người Quá Cố thì đương nhiên phải xem đó cũng là Ngày Lễ kính tất cả các Thánh. Cho nên, vào năm 800, Ngày SAMHAI được Giáo Hội công khai gọi là Ngày Lễ Các Thánh Nam-Nữ.

Từ năm 1845 đến 1847, vì nạn đói hoành hành, nhiều người Ái-nhĩ-lan phải chạy sang Hoa Kỳ và truyền bá Lễ Halloween. Đến cuối Thế Kỷ 19, Halloween được trở thành Ngày Lễ của toàn Quốc Hoa Kỳ.

Riêng tại nước Pháp, từ năm 1997, người ta mừng Lễ này vì lý do thương mại là trên hết.

III. Nguyên ngữ và cách phát âm của chữ HALLOWEEN và LA TOUSSAINT

A. HALLOWEEN

HALLOW đồng nghĩa với HOLY và SAINT, tức là THÁNH. Vần EEN (hai lần E) được tạo thành bởi chữ EVE có nghĩa là ĐÊM TRƯỚC NGÀY LỄ. Chữ này có gốc là EVENING. Do đó, vần EEN (hai lần E) là do E của EVE và của EVENING. (E sau V là câm.)

HALLOWEEN có nghĩa là THE EVENING PRECEDING ALL SAINTS' DAY: ĐÊM TRƯỚC NGÀY LỄ CÁC THÁNH. (La veille de La Toussaint)

Người Pháp và Đức lấy W+EEN để phát âm thành /win/ hay /vin/ là sai bởi vì mẫu tự W trong HALLOW không tạo âm nào cả. Cách phát âm đúng như sau: [ˌhɔːloʊˈiːn] hay [ˌhæloʊˈiːn]. Một số người Đức nói rằng W trong chữ Anh HALLOW vẫn phải đọc. Tôi không đồng ý và nói với họ bằng tiếng Anh như sau: ''I'm showing you the meaning and pronunciation of the word HALLOWING.'' và xin họ phát âm cho tôi chữ SHOWING. Thế là họ nhận ra rằng họ đã phát âm sai từ HALLOWEEN của tiếng Anh. (2)

B. LA TOUSSAINT

LA TOUSSAINT có nghĩa là LA FÊTE DE TOUS LES SAINTS. Người Pháp lấy mạo từ LA (giống cái của FÊTE: LỄ), chữ TOUS (S câm nên TOUS đọc là /tu/.) và chữ SAINTS để tạo thành LA TOUSSAINT. Thế là TOUS (S không còn câm, đọc là /tus/.) và SAINT không có S bởi vì LA ở số ít, tức là chỉ có một Ngày Lễ Các Thánh mà thôi!

C. Ý Nghĩa của Ngày Lễ Các Thánh trong Giáo Hội

Ngoài những Vị Chân Phước (Á Thánh) và Hiển Thánh, Giáo Hội vẫn xác tín rằng có nhiều Thánh khác đã sống trung thành với Lời Chúa. Cho nên Lễ Các Thánh là Ngày kính tất cả các Thánh Nam Nữ trên Thiên Đàng nói chung. Không chỉ trong Ngày Lễ này, mà mỗi ngày, Giáo Hội luôn nhớ đến các Thánh trong lời cầu như Kinh Cáo Mình để mời gọi mọi người Công Giáo hãy noi gương các Thánh mà ăn ngay, ở lành, tức là tự thánh hóa mình, người ngoài Công Giáo hay Bà Con Bên Lương và người tội lỗi bởi vì sự Thánh Thiện không phải là của riêng ai hay của một nhóm ưu tú nào đó, mà của mọi người mang Hình Ảnh Thiên Chúa vô hình và hữu hình qua Chúa Cứu Thế.

Đó là ''Tôn Chỉ'' của Kitô Giáo qua Kinh ''Lạy Cha'' có các câu: ''Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha Trị đến...''

''Ước gì được như vậy'' là ý nghĩa của chữ AMEN!

Đaminh Phan văn Phước

Ghi chú

1. Có người cho rằng chừng trên 2000 năm.

2. Người Đức có chữ DER VORABEND VON ALLERHEILIGEN. Như vậy, chữ HALLOWEEN là của tiếng Anh thì phải phát âm nó đúng với cách của người Anh!